BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP NĂM 2019

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP NĂM 2019

Thực hiện Điều 61 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, trên cơ sở thông tin của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ liên quan, ngày 12/10/2019, Chính phủ đã có Báo cáo số 479/BC-CP gửi Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2019. Báo cáo đã nêu bật tình hình, kết quả hoạt động tương trợ tư pháp năm 2019 (từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/9/2019), đề ra nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2020.
I - TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
1. Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tương trợ tư pháp
Trong năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ có liên quan và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) phối hợp chặt chẽ để triển khai toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định tại Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp năm 2018 cũng như các nhiệm vụ theo quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 (Luật TTTP) trên cả bốn lĩnh vực: dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (chuyển giao NCHHPT).
Về hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi pháp luật về tương trợ tư pháp (TTTP), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và kiến nghị các bộ, ngành thực hiện tổng kết Luật TTTP và lập đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp về dân sự, Luật tương trợ tư pháp về hình sự, Luật dẫn độ và Luật chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù[1].
Về công tác điều ước quốc tế (ĐƯQT), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tích cực đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất ký kết cũng như tổ chức thực thi hiệu quả các ĐƯQT đa phương và các hiệp định song phương về TTTP, đồng thời yêu cầu, đề nghị các cơ quan đầu mối về TTTP trong từng lĩnh vực tích cực triển khai các giải pháp toàn diện nhằm nâng cao kết quả thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) về dân sự, hình sự, các yêu cầu về dẫn độ, chuyển giao NCHHPT, đáp ứng yêu cầu tố tụng trong nước và hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp.
Thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về TTTP, Bộ Tư pháp tích cực chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC triển khai các hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của Luật TTTP và Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTP, đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề xuất tại Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp năm 2018.
Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện UTTP được Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSNDTC chú trọng[2]. Bộ Tư pháp thường xuyên tổng hợp, trao đổi với Bộ Ngoại giao và TANDTC để tháo gỡ những vướng mắc mà các tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gặp phải trong áp dụng các quy định pháp luật về TTTP, tố tụng dân sự trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, thực hiện UTTP và xử lý các yêu cầu công nhận và cho thi hành (CN&CTH) bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài.
VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và TANDTC tăng cường trao đổi, phối hợp liên ngành để xử lý các yêu cầu TTTP về hình sự phức tạp[3].
Hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan trực tiếp xử lý các yêu cầu TTTP ở cả bốn lĩnh vực được các cơ quan trung ương đẩy mạnh thông qua việc kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ trực tiếp cho địa phương trong quá trình thực hiện các yêu cầu UTTP cụ thể[4].
Ở cấp địa phương, trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự các cơ quan trực tiếp thực hiện UTTP tiếp tục triển khai, áp dụng đúng quy định pháp luật và các ĐƯQT về TTTP mà Việt Nam là thành viên.
2. Xây dựng và hoàn thiện thể chế
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm tại Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành kế hoạch lập đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp về dân sự, Luật tương trợ tư pháp về hình sự, Luật dẫn độ và Luật chuyển giao NCHHPT[5]. Trên cơ sở các kế hoạch đã được ban hành, các bộ, ngành chủ động triển khai từng nhiệm vụ, đến nay về cơ bản các hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã hoàn thành, đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý và thực hiện công tác dẫn độ, chuyển giao NCHHPT của cơ quan đầu mối và cơ quan địa phương trực tiếp thực hiện các yêu cầu này, Bộ Công an đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn sử dụng và quản lý các mẫu giấy tờ trong công tác dẫn độ, chuyển giao NCHHPT và hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền của Công an nhân dân. Theo kế hoạch Thông tư nêu trên được ban hành trong Quý IV năm 2019.
3. Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp
3.1. Ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp song phương
Trong lĩnh vực TTTP về dân sự, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và Hung-ga-ri[6]; đang hoàn tất các thủ tục đề xuất đàm phán 01 Hiệp định.
Trong lĩnh vực TTTP về hình sự, VKSNDTC đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành đàm phán 03 Hiệp định; tổ chức ký chính thức 01 Hiệp định; hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đàm phán 03 Hiệp định; trình ký 01 Hiệp định.
 Trong lĩnh vực dẫn độ, Bộ Công an đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành đàm phán 02 Hiệp định; tổ chức ký 01 Hiệp định và hoàn tất thủ tục trình phê chuẩn 01 Hiệp định đã ký từ năm trước.
 Trong lĩnh vực chuyển giao NCHHPT, Bộ Công an đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành đàm phán 03 Hiệp định; tổ chức ký chính thức 01 Hiệp định; trình phê chuẩn 02 hiệp định trong đó có 01 Hiệp định đã ký từ những năm trước.
(Xin xem chi tiết tại Phụ lục đính kèm).
3.2. Ký kết các điều ước quốc tế đa phương và hợp tác khu vực trong tương trợ tư pháp
a) Trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế
Hoạt động nghiên cứu, gia nhập các Công ước trong khuôn khổ hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 được Bộ Tư pháp tiếp tục chú trọng thực hiện. Bộ Tư pháp đã hoàn tất các thủ tục đề xuất gia nhập Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ tại nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ) theo quy định của Luật điều ước quốc tế năm 2016 trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Việc gia nhập Công ước này sẽ tạo cơ sở pháp lý quốc tế với 63 nước thành viên cho việc thực hiện các yêu cầu thu thập chứng cứ giải quyết các vụ việc dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài của Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 49/QĐ-TTg ngày 11/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch chuẩn bị gia nhập Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế giai đoạn 2018-2021 tiếp tục được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành triển khai đúng lộ trình.
b) Hợp tác khu vực về tương trợ tư pháp
Trong năm 2019, hoạt động hợp tác khu vực về TTTP tuy không có nhiều hoạt động lớn như năm 2018 nhưng các bộ, ngành đều xác định đây là lĩnh vực quan trọng cần quan tâm thể hiện vị trí, vai trò của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành tham dự Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN, một trong những nội dung quan trọng của hai Hội nghị này là xây dựng và phê duyệt các sáng kiến về tương trợ tư pháp, theo đó Hiệp định mẫu về dẫn độ trong ASEAN đã được thông qua, Hiệp định mẫu về chuyển giao NCHHPT trong ASEAN đang được xây dựng.
  Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu sơ bộ về Công ước Liên hợp quốc về thoả thuận giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hoà giải (Công ước Xinh-ga-po) và tham gia lễ ký chính thức Công ước này tại Xinh-ga-po vào ngày 07/8/2019. Mục tiêu chính của Công ước là: (i) thừa nhận rộng rãi việc hoà giải tranh chấp có sự hỗ trợ của hòa giải viên là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế; (ii) đưa ra một cơ chế thực thi thoả thuận hoà giải đơn giản và hiệu quả hơn so với phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án và trọng tài. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu khả năng Việt Nam tham gia Công ước để thúc đẩy sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng hoà giải tại Việt Nam cũng như thiết lập cơ sở pháp lý quốc tế trong hợp tác giải quyết tranh chấp thông qua phương thức này.
3.3. Tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp
Các cơ quan đầu mối TTTP trong mỗi lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao NCHHPT đã tăng cường vai trò là Cơ quan Trung ương được quy định trong các Hiệp định/Thỏa thuận về TTTP giữa Việt Nam và nước ngoài.
Các Cơ quan Trung ương thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn rà soát, đôn đốc các cơ quan tư pháp trong nước thực hiện tốt các yêu cầu TTTP của nước ngoài, thực thi nghiêm túc các ĐƯQT đã ký kết. Đồng thời, các Cơ quan Trung ương của Việt Nam cũng chủ động liên hệ, trao đổi với các cơ quan đầu mối của các nước đối tác để tham vấn về việc thực hiện các yêu cầu TTTP của hai Bên; tổ chức các hội nghị/hội thảo quốc tế với sự tham gia của phía các cơ quan thực hiện TTTP của Việt Nam và phía nước ngoài với mục tiêu tăng cường đối thoại và trao đổi thông tin liên quan đến TTTP nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các ĐƯQT này cũng như thiết lập và tăng cường được quan hệ hợp tác giữa các cơ quan đầu mối. Cụ thể như, trong lĩnh vực dân sự, Bộ Tư pháp chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành tham dự Hội nghị thường niên lần thứ chín về thực thi Thoả thuận giữa Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc và Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; trong lĩnh vực hình sự, VKSNDTC đã tổ chức đoàn công tác sang Ốt-xtờ-rây-li-a để đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định TTTP về hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Ốt-xtờ-rây-li-a. Thông qua hoạt động này, các cơ quan trung ương đã rà soát, đánh giá thực tiễn thực hiện Hiệp định/Thoả thuận, tăng cường quan hệ phối hợp trực tiếp giữa hai đơn vị đầu mối và đề xuất các giải pháp nhằm hiệu quả hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật.
4. Thực hiện ủy thác tư pháp
4.1. Tình hình thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự
Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Tư pháp, tình hình thực hiện UTTP về dân sự qua cơ quan đầu mối trong năm 2019 cụ thể như sau:
a) Ủy thác tư pháp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam
  - Tổng số yêu cầu UTTP của Việt Nam gửi cho nước ngoài: 2.185 yêu cầu.
Trong đó có 231 (10,5%) yêu cầu được gửi đến những nước chưa có ĐƯQT về TTTP với Việt Nam; 1245 (57%) yêu cầu thực hiện theo kênh Công ước tống đạt; 709 (32,5%) yêu cầu thực hiện theo kênh Hiệp định TTTP song phương.
- Tổng số yêu cầu UTTP có trả lời là 1.118/2.185 yêu cầu (51,1%)
Trong đó, 11/231 (0,4%) yêu cầu gửi đến những nước chưa có ĐƯQT về TTTP với Việt Nam có trả lời; 706/1.245 (56,7%) yêu cầu gửi theo kênh Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt) có trả lời, 401/709 (56,6%) yêu cầu gửi theo kênh hiệp định song phương có trả lời. Ngoài ra, trong năm 2019, Bộ Tư pháp còn nhận được 405 phản hồi đối với các hồ sơ UTTP đã gửi yêu cầu từ các năm 2017 và 2018.
So sánh kết quả thực hiện UTTP gửi ra nước ngoài năm 2018 với năm 2019 cho thấy tuy số lượng các hồ sơ UTTP có trả lời đạt được nhiều hơn năm 2018 nhưng do số lượng hồ sơ UTTP tăng 117 hồ sơ (tăng 5,7%)[7] nên tỷ lệ kết quả lại giảm so với năm trước (giảm 4,9%).
b) Ủy thác tư pháp theo yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
  - Tổng số yêu cầu UTTP đã tiếp nhận: 1.353 yêu cầu
Trong đó 1029/1.353 (76%) yêu cầu thực hiện theo kênh Hiệp định TTTP song phương; 273/1.353 (20%) yêu cầu thực hiện theo kênh Công ước tống đạt và 51/1.353 (4%) yêu cầu thực hiện cho những nước chưa có ĐƯQT về TTTP với Việt Nam.
Tổng số yêu cầu có kết quả trả lời là 715/1.353 (đạt 52,8%), trong đó kết quả thực hiện theo Hiệp định song phương là 558/1.029 (54,2%), theo kênh Công ước tống đạt là 149/273 (54,5%), theo kênh ngoại giao là 8/51(15,6%). Ngoài ra, trong năm 2019, Bộ Tư pháp còn trả 99 kết quả đối với các yêu cầu UTTP đã nhận từ các năm 2017 và 2018.
Tương tự như UTTP của Việt Nam gửi đi nước ngoài, so với năm 2018 số lượng UTTP đã thực hiện được cho phía nước ngoài tăng nhưng do số lượng UTTP tiếp nhận tăng 324 yêu cầu (31,4%)[8] nên tỷ lệ thực hiện UTTP không đạt được bằng năm ngoái.
4.2. Tình hình thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự
Theo số liệu thống kê của VKSNDTC, tình hình thực hiện UTTP về hình sự cụ thể như sau:
  1. UTTP theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam
VKSNDTC đã thụ lý và giải quyết 259 hồ sơ, văn bản UTTP hình sự từ các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện (tăng 102 yêu cầu tương đương 65% so với năm 2018); đã nhận được phản hồi là 107/259 yêu cầu (41%)[9].
  1. UTTP theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
VKSNDTC đã thụ lý và giải quyết 78 hồ sơ, văn bản UTTP về hình sự theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (giảm 7,1% so với năm 2018); đã phối hợp thực hiện có kết quả là 66/78 (84,6%)[10].
4.3. Về thực hiện yêu cầu về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tình hình thực hiện yêu cầu TTTP trong hai lĩnh vực này cụ thể như sau:
a) Về dẫn độ          
Bộ Công an đã lập và chuyển 02 yêu cầu dẫn độ đối với 02 đối tượng đến các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để yêu cầu dẫn độ về Việt Nam[11]; bổ sung thông tin đối với 02 yêu cầu dẫn độ; bàn giao 01 đối tượng theo quyết định của toà án nhân dân có thẩm quyền.
Bộ Công an đã tiếp nhận 01 yêu cầu của nước ngoài đối với 01 đối tượng[12].
b) Về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
Bộ Công an đã phối hợp với tòa án nhân dân có thẩm quyền xử lý 04 yêu cầu chuyển giao NCHHPT từ Việt Nam ra nước ngoài[13]; cung cấp thông tin về 09 phạm nhân nước ngoài quốc tịch Ốt-xtờ -rây-li-a và Hàn Quốc phục vụ xem xét chuyển giao; tiếp tục xử lý 04 yêu cầu chuyển giao NCHHPT từ nước ngoài về Việt Nam theo Hiệp định song phương với Liên bang Nga và Ốt-xtờ-rây-li-a; đã tổ chức bàn giao 04 phạm nhân ra nước ngoài tiếp tục chấp hành hình phạt tù.
5. Đánh giá
5.1. Kết quả đạt được
Trên cơ sở những công việc đã triển khai có thể đánh giá các nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất với Quốc hội tại Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp năm 2018 về cơ bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, các cơ quan thực hiện tại địa phương triển khai một cách toàn diện, đồng bộ và đạt được những kết quả nhất định, cụ thể như sau:
- Công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động TTTP tiếp tục được chú trọng. Chính phủ, các bộ, ngành chủ động triển khai các ĐƯQT trong lĩnh vực TTTP và các kế hoạch thực thi, cùng với hoạt động phối hợp, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan ở địa phương thực thi các quy định pháp luật về TTTP. Đặc biệt, một hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành được chỉ ra tại Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp năm 2018 các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai thực hiện là hoạt động phối hợp liên ngành kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện UTTP tại các cơ quan địa phương. Thông qua công tác này, các cơ quan đầu mối TTTP ở trung ương đã trực tiếp hướng dẫn quy trình, thủ tục TTTP và giải đáp những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác TTTP, qua đó đảm bảo áp dụng thống nhất các quy định pháp luật, ĐƯQT việc thực hiện UTTP đi vào nề nếp và đạt nhiều kết quả tích cực hơn.
- Về công tác xây dựng hoàn thiện thể chế về TTTP: các bộ, ngành đã phát huy sự chủ động trong thực hiện chủ trương sửa đổi Luật TTTP theo hướng tách thành những lĩnh vực riêng thông qua việc ban hành và triển khai các Kế hoạch lập đề nghị xây dựng các Luật đảm bảo việc xây dựng luật đúng lộ trình.
- Công tác ký kết và thực hiện các ĐƯQT về TTTP tiếp tục được đẩy mạnh. Chính phủ, các bộ, ngành đầu mối đã hoàn thành việc đề xuất đàm phán, ký ĐƯQT về TTTP với nhiều nước, phải kể đến một số nước có quan hệ truyền thống và đối tác quan trọng của Việt Nam như Mông Cổ, Lào, Nhật Bản. Kết quả thực hiện các ĐƯQT về TTTP tiếp tục nâng cao hiệu quả thể hiện ở việc số lượng các UTTP dân sự, hình sự gửi đi và nhận được từ các nước có quan hệ ĐƯQT với Việt Nam cao hơn so với năm 2018; các yêu cầu dẫn độ, chuyển giao NCHHPT được thực hiện nghiêm túc trên cơ sở các hiệp định song phương.
- Về thực hiện các yêu cầu UTTP: Hoạt động UTTP dân sự thực sự đã đạt được những kết quả đáng khích lệ thông qua công cụ pháp luật quốc tế đa phương là Công ước tống đạt giấy tờ. Sau gần 03 năm Công ước có hiệu lực với Việt Nam tỷ lệ UTTP có kết quả đã tăng lên và ổn định, thời gian thực hiện cũng được rút ngắn đáng kể so với thời điểm Việt Nam chưa tham gia Công ước; việc thực hiện các yêu cầu UTTP trong các lĩnh vực khác ngày càng ổn định, đi vào chiều sâu từng bước góp phần hỗ trợ các cơ quan tố tụng, tư pháp trong nước và nước ngoài giải quyết các vụ việc phức tạp đặc biệt là các loại tội phạm mới để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, quyền lợi của công dân bị xử lý hình sự ở nước ngoài, từ đó mang lại những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế, bảo vệ trật tự an ninh và ổn định xã hội, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
5.2. Khó khăn, tồn tại và nguyên nhân
a) Về khó khăn, tồn tại
Mặc dù các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng nhưng công tác TTTP trong năm 2019 vẫn còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại cần được khắc phục trong giai đoạn tới, trong đó tập trung ở một số vấn đề chính như sau:
- Về công tác chỉ đạo, điều hành, trong năm 2019 công tác này đã được triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, hoạt động phối hợp liên ngành trong hướng dẫn, rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện UTTP tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa có điều kiện thực hiện nên việc UTTP qua kênh ngoại giao số lượng không nhiều nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.
- Về công tác ký kết và thực hiện ĐƯQT: tình trạng một số hiệp định với các nước có đông người Việt Nam sinh sống hay có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với Việt Nam đã được các bộ, ngành chủ trì đề xuất đàm phán, ký từ năm 2016 chưa thể triển khai đàm phán, ký hoặc phê chuẩn theo kế hoạch đến nay chưa được khắc phục. Hoạt động rà soát, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định TTTP chủ yếu được thực hiện thông qua liên lạc xử lý các vụ việc cụ thể của đơn vị, cán bộ đầu mối tại cơ quan trung ương mà chưa tổ chức làm việc trực tiếp được giữa các cấp lãnh đạo có thẩm quyền để cùng trao đổi, thống nhất các giải pháp, định hướng chung nâng cao hiệu quả thực thi.
- Về thực hiện các yêu cầu TTTP: vẫn còn tình trạng UTTP cả hai chiều gửi đi nước ngoài và tiếp nhận từ nước ngoài không có hoặc chậm phản hồi trong nhiều trường hợp đã ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của hoạt động tố tụng trong nước cũng như trong quan hệ hợp tác với phía nước ngoài.
b) Về nguyên nhân
Nguyên nhân chính của các khó khăn, tồn tại nêu trên trong đó có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan đã được Chính phủ và các bộ, ngành nhận diện và chỉ ra trong Báo cáo tương trợ tư pháp năm 2018 nhưng chưa thể tháo gỡ được, cụ thể như sau:
- Về thể chế, hoạt động TTTP không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật TTTP và các văn bản hướng dẫn thi hành mà còn liên quan đến pháp luật tố tụng trong nước. Mặc dù, các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng trong những năm qua đã được sửa đổi, bổ sung các quy định riêng áp dụng cho giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài nhưng chưa đảm bảo điều chỉnh một cách toàn diện các vấn đề thực tế hoặc các nội dung có tính đặc thù của loại vụ việc này. Do vậy, luật vẫn còn khoảng trống hoặc có điểm chưa thực sự phù hợp ảnh hưởng nhất định đến việc yêu cầu UTTP hoặc xử lý kết quả UTTP đối với các vụ việc cụ thể. Đây là vấn đề không thể khắc phục được ngay mà cần rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện để đảm bảo những sửa đổi, bổ sung pháp luật hiệu quả, phù hợp thực tiễn một cách tối đa.
- Đối với công tác ĐƯQT về TTTP, Việt Nam chưa thể triển khai đàm phán, ký các hiệp định nguyên nhân chủ yếu vẫn do phía đối tác nước ngoài chưa thực sự mong muốn đàm phán, ký hiệp định song phương với Việt Nam.
- Trong công tác tổ chức thực hiện TTTP, công tác thông tin, phối hợp liên ngành còn chưa thường xuyên và chặt chẽ, trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành trong một số trường hợp chưa cao, thiếu tính chủ động; các cơ quan trực tiếp thực hiện TTTP tại địa phương còn thụ động trong việc cập nhật, nghiên cứu các quy định pháp luật hay thông tin hướng dẫn về lập, thực hiện UTTP nên nhiều trường hợp hồ sơ sai sót hoặc không đúng yêu cầu phải chỉnh sửa hoàn thiện làm kéo dài thời gian cũng như tốn kém chi phí của đương sự, kinh phí ngân sách nhà nước.
- Về nguồn lực thực hiện công tác TTTP, trước chủ trương tinh giản biên chế và thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, nguồn nhân lực, vật lực cho công tác TTTP nhiều năm không được bổ sung trong khi các yêu cầu TTTP gia tăng về khối lượng, phức tạp về nội dung, nhiều hoạt động TTTP chưa thể và không thể thực hiện xã hội hoá đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của công tác TTTP trong cả bốn lĩnh vực từ trung ương đến địa phương.
II – NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NĂM 2020 VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
1. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2020
Về công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật về TTTP
Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong năm 2020 hoàn thành việc lập đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp dân sự; Bộ Công an lập đề nghị xây dựng Luật dẫn độ, Luật chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù trình Chính phủ; VKSNDTC hoàn thành việc lập đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp hình sự trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Về công tác điều ước quốc tế
Trong năm 2020, tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán, ký các ĐƯQT đã được Chủ tịch nước đồng ý.
Gia nhập Công ước thu thập chứng cứ, xây dựng và triển khai Kế hoạch thực thi sau khi Công ước có hiệu lực với Việt Nam.
Các bộ, ngành tổ chức thực thi nghiêm túc và có hiệu quả các Hiệp định/Thỏa thuận đang có hiệu lực, nâng cao kết quả thực hiện UTTP cả hai chiều; tiếp tục thực thi nghiêm túc, hiệu quả các ĐƯQT đa phương.
Về thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp
Các bộ, ngành, đặc biệt là các cơ quan đầu mối về TTTP và các cơ quan ở địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và toàn diện các quy định pháp luật về TTTP, các quy định về TTTP tại các văn bản liên quan và ĐƯQT; thực hiện nhanh và đầy đủ các yêu cầu TTTP trong cả bốn lĩnh vực. Các cơ quan đầu mối tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi với cơ quan trung ương nước ngoài xử lý các yêu cầu UTTP phức tạp, định kỳ thống kê, rà soát tiến độ thực hiện các yêu cầu TTTP và duy trì kiểm tra tình hình thực hiện TTTP tại các cơ quan địa phương, đặc biệt triển khai thực hiện công tác này tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Về công tác quản lý nhà nước
Bộ Tư pháp triển khai toàn diện các nội dung hoạt động quản lý nhà nước nhằm tăng cường và phát huy tốt vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước chung về TTTP theo quy định hiện hành; thực hiện nghiêm và thường xuyên công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra để tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả tất cả các mặt hoạt động TTTP.
Các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo, kiểm điểm, đánh giá định kỳ để đưa công tác này đi vào chiều sâu, nội dung, thực chất. Các cơ quan đầu mối tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đôn đốc và tổ chức kiểm tra việc thực hiện UTTP ở cả bốn lĩnh vực để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật có liên quan.
2. Các giải pháp chủ yếu
Trong năm 2020, để khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động TTTP, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ và đề nghị TANDTC, VKSNDTC tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Tăng cường trách nhiệm, sự chủ động của mỗi cơ quan đầu mối trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện thể chế về TTTP đặc biệt trong việc lập đề nghị và xây dựng Luật tương trợ tư pháp trong từng lĩnh vực.
- Các cơ quan trung ương thực hiện Hiệp định/Thỏa thuận TTTP chủ động xây dựng cơ chế tham vấn thường xuyên với phía nước ngoài; tăng cường tiến hành rà soát tình hình thực hiện Hiệp định/Thỏa thuận để kịp thời giải quyết những bất cập, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi hỗ trợ cơ quan tư pháp hai bên giải quyết các vụ việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước; tranh thủ các diễn đàn, hội thảo, hội nghị quốc tế, các đoàn công tác cấp cao đề xuất, thúc đẩy việc đàm phán, ký các hiệp định TTTP song phương đã có trong kế hoạch hoặc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt với các đối tác.
- Duy trì và tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là phối hợp giữa các cơ quan đầu mối Trung ương, trong tất cả các khâu công tác TTTP để trao đổi thông tin nhanh chóng và giải quyết kịp thời các yêu cầu tương trợ phức tạp, cần có sự thống nhất của liên ngành, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác thông tin, thống kê, chia sẻ thông tin, dữ liệu về thực hiện UTTP.
- Tăng cường công tác hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các UTTP của Việt Nam gửi đi nước ngoài, các UTTP của nước ngoài gửi đến Việt Nam, giải quyết các yêu cầu dẫn độ, chuyển giao NCHHPT tại các cơ quan trực tiếp thực hiện các yêu cầu tại địa phương.
- Các cơ quan thực hiện TTTP tập trung nguồn lực, tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác TTTP ở các địa phương; bố trí và tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động TTTP.
3. Kiến nghị
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Chính phủ đã đề xuất một số kiến nghị với Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan:
- Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội khác quan tâm, tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật về tương trợ tư pháp, các điều ước quốc tế song phương, đa phương về tương trợ tư pháp.
- Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ủng hộ đề nghị xây dựng các luật: Luật tương trợ tư pháp về dân sự, Luật tương trợ tư pháp về hình sự, Luật dẫn độ, Luật chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội.
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục tăng cường chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự; chỉ đạo công tác lập đề nghị và xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự.
- Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ tương trợ tư pháp, tăng cường đôn đốc các Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong hoạt động tương trợ tư pháp và hoạt động đề xuất, xây dựng các luật tương trợ tư pháp riêng trong từng lĩnh vực.
 
[1] Công văn số 1083/VPCP-PL ngày 30/01/2018 của Văn phòng Chính phủ về sửa đổi Luật TTTP giao Bộ Tư pháp lập đề nghị xây dựng Luật TTTP dân sự, Bộ Công an lập đề nghị xây dựng Luật dẫn độ, Luật chuyển giao NCHHPT trình Chính phủ trong năm 2019; kiến nghị VKSND tối cao lập đề nghị xây dựng Luật TTTP hình sự trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội năm 2021.
[2] Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, TANDTC tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự tại TAND thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng; Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức 03 đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện các yêu cầu dẫn độ, chuyển giao người chấp hành hình phạt tù và thi hành hình phạt tù đối với người nước ngoài tại một số tòa án, viện kiểm sát nhân dân, trại giam.
[3] VKSNDTC, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã phối hợp thành lập Đoàn công tác liên ngành: (i) đi Xinh-ga-po để giải quyết các yêu cầu TTTP của Việt Nam về thu hồi tài sản do phạm tội mà có trong vụ án Phan Sào Nam; (ii) đi Lào để giải quyết yêu cầu thu thập chứng cứ liên quan đến hành vi Trần Bắc Hà gửi tiền tại Lào và Campuchia; (iii) đi Slovenia để giải quyết vụ việc sử dụng công nghệ cao (mạng viễn thông, mạng internet) chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiền Phong.
[4] Công văn số 475/BTP-PLQT ngày 15/02/2019 và Công văn số 1263/BTP-PLQT ngày 12/4/2019 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện uỷ thác tư pháp đi một số nước; Bộ Tư pháp, VKSNDTC hướng dẫn trực tiếp nghiệp vụ lập hồ sơ UTTP dân sự, hình sự cho các tòa án, cơ quan công an địa phương.
[5] Quyết định số 689/QĐ-BTP ngày 27/3/2019 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch lập đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Kế hoạch số 41/KH-VKSTC ngày 20/3/2019 của Viện trưởng VKSNDTC về lập đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự; Kế hoạch số 23/KH-BCA-V03 ngày 25/01/2019 của Bộ Công an về lập đề nghị xây dựng Luật dẫn độ và Luật chuyển giao NCHHPT.
[6] Hiệp định đã có hiệu lực vào ngày 06/3/2019
[7] Số hồ sơ UTTP năm 2018 là 2069 hồ sơ.
[8] Số hồ sơ UTTP năm 2018 là 989 hồ sơ.
[9] Năm 2018 tỷ lệ yêu cầu UTTP hình sự của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam gửi đi nước ngoài thực hiện có kết quả là 119/157 (76%).
[10] Năm 2018 tỷ lệ yêu cầu UTTP hình sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài gửi đến Việt Nam thực hiện có kết quả là 67/84 (79,7%).
[11] Cả 02 yêu cầu đều gửi đến Cộng hoà Séc theo quy định của Hiệp định TTTP về dân sự và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHXHCN Tiệp Khắc (Séc và Slovakia kế thừa).
[12] Yêu cầu theo hiệp định song phương Liên bang Nga.
[13] 03 trường hợp theo nguyên tắc có đi có lại với Bun-ga-ri, 01 theo hiệp định với Ốt-xtờ-rây-li-a.