Giới thiệu Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Việt Nam

Giới thiệu Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Việt Nam

Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước) là Công ước đa phương của Hội nghị La Hay được ký ngày 18/3/1970 và có hiệu lực ngày 07/10/1972. Công ước ra đời với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập chứng cứ và hài hòa hóa phương thức thu thập chứng cứ giữa các quốc gia. Công ước chỉ được áp dụng cho việc thu thập chứng cứ trong các thủ tục tố tụng trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và thực hiện các “hoạt động tư pháp khác” giữa các Quốc gia thành viên. Tính đến thời điểm hiện tại Công ước có 63 thành viên.
Công ước chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 03/5/2020. Tuy nhiên, Công ước chỉ có hiệu lực ràng buộc giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên có tuyên bố đồng ý việc gia nhập của Việt Nam (Điều 39(4) Công ước). Tính đến ngày 31/7/2020, 05 quốc gia đã gửi văn kiện đồng ý việc gia nhập của Việt Nam (Ác-hen-ti-na, U-crai-na, Xlô-va-ki-a, CHND Trung Hoa, An-đô-ra).
 Nhằm thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ thành viên Công ước, căn cứ Luật Điều ước quốc tế năm 2016, ngày 30 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước.
Bộ Tư pháp xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Kế hoạch thực hiện Công ước:
1. Mục tiêu
Kế hoạch được ban hành và tổ chức thực hiện nhằm:
(i)  khai thác tối đa các lợi ích, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên Công ước của Việt Nam;
(ii) nâng cao năng lực và hiệu quả công tác ủy thác tư pháp trong thu thập chứng cứ của Việt Nam, qua đó hỗ trợ giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự theo chuẩn mực quốc tế.
2. Yêu cầu
Kế hoạch xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành với lộ trình cụ thể, khả thi để thực hiện hiệu quả quyền và nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước. Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa Bộ Tư pháp - Cơ quan Trung ương thực thi Công ước của Việt Nam với các bộ, ngành hữu quan trong nước và giữa các cơ quan của Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên trong việc thực hiện Công ước.
3. Các nhiệm vụ, giải pháp
Căn cứ vào các quy định của Công ước, tình hình thực hiện tương trợ tư pháp về thu thập chứng cứ của Việt Nam thời gian qua, điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay và yêu cầu của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Kế hoạch đã đưa ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính. Trong mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Kế hoạch xác định rõ các hoạt động cần tiến hành, kết quả dự kiến, cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp thực hiện với lộ trình cụ thể tùy thuộc vào yêu cầu của Công ước và tính chất của mỗi hoạt động. Cụ thể 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm:
(1) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Công ước
 Nhiệm vụ này nhằm góp phần xây dựng, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động thu thập chứng cứ hoặc tiến hành các nhiệm vụ có liên quan khác và nhận thức của toàn xã hội đối với vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Công ước. Nhiệm vụ này gồm các hoạt động: tuyên truyền, phổ biến về Công ước trên sách, báo, tạp chí, tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức cho các đối tượng có liên quan có lồng ghép, kết nối với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; xây dựng tài liệu hướng dẫn để thực thi Công ước; tập hợp, cập nhật thông tin về Công ước và thực thi Công ước.
(2) Thực hiện hiệu quả Công ước
Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của Kế hoạch, cần được thực hiện thường xuyên ngay khi Công ước có hiệu lực (từ ngày 03/5/2020). Nhiệm vụ này gồm các nội dung: Phát huy vai trò của Cơ quan Trung ương của Việt Nam trong điều phối, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp trong nước và với Cơ quan Trung ương của các nước thành viên nhằm hỗ trợ tốt cho việc thực thi Công ước; thực hiện ủy thác tư pháp thu thập chứng cứ theo Công ước (lập, gửi các yêu cầu thu thập chứng cứ của Việt Nam ra nước ngoài, tiếp nhận, thực hiện yêu cầu thu thập chứng cứ của các quốc gia thành viên Công ước đã đồng ý việc gia nhập của Việt Nam); đẩy mạnh tin học hóa hoạt động ủy thác tư pháp; rà soát, đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Công ước để kịp thời xử lý những bất cập, khó khăn phát sinh.
(3) Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự
Mặc dù các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đã khá đầy đủ, tuy nhiên, Kế hoạch vẫn đưa ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện hơn nữa pháp luật trong nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực thi Công ước. Nhiệm vụ này sẽ được lồng ghép trong quá trình xây dựng Luật tương trợ tư pháp về dân sự (theo kế hoạch xây dựng Luật được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
(4) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi Công ước
Dự kiến khối lượng và mức độ phức tạp của các yêu cầu thu thập chứng cứ của nước thành viên Công ước gửi đến Việt Nam sẽ tăng lên so với trước khi gia nhập Công ước. Cùng với đó, các yêu cầu thu thập chứng cứ của Việt Nam gửi đến các nước thành viên Công ước cũng sẽ cần được điều chỉnh để tuân thủ các quy định chặt chẽ của Công ước. Do đó, việc hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi Công ước là rất cần thiết thông qua các hoạt động cụ thể như: Tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, hướng dẫn nghiệp vụ về thực thi Công ước cho các cán bộ thực hiện nhằm kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực thi Công ước; cử cán bộ tham gia vào các phiên họp của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế có nội dung liên quan đến Công ước; trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia thành viên của Công ước.
Đối với Việt Nam, việc gia nhập Công ước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động tương trợ tư pháp thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự, thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Công ước, qua đó hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự, thương mại đúng quy định và đảm bảo thời hạn luật định; tạo môi trường pháp lý bảo vệ hoạt động giao lưu dân sự, kinh doanh – thương mại, đầu tư giữa các cá nhân, tổ chức của Việt Nam với các quốc gia thành viên và khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam. Để có thể tận dụng các lợi thế mà Công ước mang lại, Bộ Tư pháp - Cơ quan Trung ương thực thi Công ước của Việt Nam và các bộ, ngành hữu quan cần tích cực, chủ động thực hiện Kế hoạch nêu trên của Chính phủ.
Toàn văn Kế hoạch thực hiện Công ước xem tài liệu đính kèm.
 
Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế.