Nhìn lại năm 2022 của Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật

03/04/2023
Nhìn lại năm 2022 của Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 29/3/2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã có Báo cáo số 93/BC-TCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả hoạt động năm 2022 của Tổ công tác, trong đó thông tin về kết quả hoạt động năm 2022 của Tổ công tác và đề xuất, kiến nghị đối với các hoạt động của Tổ công tác trong năm 2023.
Trong năm 2022, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tập trung rà soát, tham mưu giải pháp xử lý các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đổi mới sáng tạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, cũng như để triển khai thực hiện các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. 
 

Họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
 
Tập trung theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát , xử lý vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2022, Tổ công tác tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021 theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các bộ, ngành đã tổ chức nghiên cứu, xử lý hoặc tham mưu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý đối với 174 văn bản (10 văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; 66 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 98 văn bản cấp bộ); đang tiếp tục nghiên cứu, xử lý đối với 233 văn bản, trong đó nhiều văn bản đã được đưa vào chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.  

Tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị, đấu giá tài sản và một số chuyên đề khác
Trên cơ sở chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ cũng như các yêu cầu, nhiệm vụ về rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực để thể chế hóa chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật được nêu tại các văn bản của Đảng, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, Tổ công tác đã lựa chọn và tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu đối với 05 nhóm văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: (i) Rà soát quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị; (ii) Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với một số nội dung cụ thể liên quan đến các luật: Bộ luật Dân sự, Luật Dầu khí, Luật Thủy lợi; (iii) Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với một số nội dung cụ thể liên quan đến các luật: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Phí và Lệ phí; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Điện lực; (iv) Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với các nội dung cụ thể liên quan đến các luật: Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch; (v) Rà soát quy định pháp luật về đấu giá tài sản...
Qua rà soát, Tổ công tác đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. 

Tăng cường tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị đối thoại chính sách, lấy ý kiến rộng rãi, nắm bắt, tiếp nhận các thông tin phản ánh về nhóm văn bản quy phạm pháp luật mẫu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn
Theo đánh giá của Tổ công tác, việc tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2022 đã được triển khai chủ động, tích cực, kịp thời, bài bản, khoa học và hiệu quả với các hình thức khác nhau, trong đó đã tăng cường tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị đối thoại chính sách, lấy ý kiến rộng rãi, nắm bắt, tiếp nhận các thông tin phản ánh về nhóm văn bản quy phạm pháp luật mẫu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, nhất là nội dung liên quan đến kết quả rà soát chuyên sâu theo các nhóm chuyên đề của Tổ công tác; tổ chức các cuộc họp, hội thảo trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện đã được kết nối, sử dụng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đã đạt được, hoạt động của Tổ công tác còn một số khó khăn, hạn chế như: các bộ, ngành phải triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ rà soát văn bản mới do nhiều cơ quan có thẩm quyền yêu cầu với phạm vi rộng, đối tượng văn bản cần rà soát lớn, thời hạn thực hiện ngắn; một số trường hợp còn có sự đan xen, trùng lắp về phạm vi rà soát dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện và báo cáo kết quả rà soát văn bản; một số trường hợp giao chưa đúng cơ quan có trách nhiệm chủ trì rà soát theo quy định của pháp luật đã ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thực hiện; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản trong một số trường hợp vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; việc kết nối, sử dụng kết quả rà soát trong quá trình nghiên cứu, xây dựng văn bản vẫn còn có những hạn chế nhất định; việc xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã được khẩn trương triển khai, nhưng đến nay vẫn còn nhiều văn bản chưa hoàn thành việc xử lý;…

 Tập trung nguồn lực để xử lý kịp thời, hiệu quả kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số chuyên đề trọng tâm
Về định hướng, giải pháp cho hoạt động của Tổ công tác trong năm 2023, Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực để xử lý kịp thời kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã thực hiện trong năm 2020, 2021 và năm 2022, tăng cường gắn kết công tác rà soát văn bản với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Đồng thời, với tiêu chí bám sát các văn bản định hướng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, tập trung rà soát các văn bản hiện là “điểm nghẽn” có tính chất liên ngành, thời sự, là nguyên nhân dẫn đến khó khăn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, Tổ công tác dự kiến tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm văn bản quy phạm pháp luật gồm: (i) Rà soát quy định pháp luật để phục vụ chuyển đổi số quốc gia và rà soát quy định pháp luật để phục vụ việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ); (ii) Rà soát quy định pháp luật về thi hành án dân sự. 
Bên cạnh đó, Tổ công tác dự kiến sẽ tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập và đề xuất giải pháp xử lý đối với vướng mắc cụ thể về pháp lý mà các cơ quan quản lý còn có ý kiến khác nhau trong việc xác định quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn hoặc ý kiến khác nhau về phương án xử lý kết quả rà soát văn bản. Trong quá trình thực hiện các hoạt động, Tổ công tác sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị, đối thoại chính sách pháp luật với doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề và kiểm tra, khảo sát tại các bộ, ngành, địa phương để đánh giá, tiếp nhận kịp thời, rộng rãi, thực chất kết quả xử lý văn bản sau rà soát, cũng như phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Tổ công tác và chất lượng công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói chung.
 
Hà Thị Lan