Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KT tư nhân

31/03/2023
Ngày 31/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP.
Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hàng năm, khoảng 35 - 40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chương trình hành động tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thành các nhiệm vụ cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, khả thi cao nhất; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện ở giai đoạn trước; bổ sung đánh giá sự phát triển của kinh tế tư nhân, trong đó chú trọng sự phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng, trong xu hướng phát triển các ngành nghề mới liên quan đến kinh tế số, đổi mới sáng tạo.
5 nhiệm vụ chủ yếu
Chương trình đặt ra 5 nhiệm vụ chủ yếu: 1- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; 2- Tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; 3- Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân; 4- Tiếp tục tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; 5- Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư sản xuất kinh doanh
Triển khai các nhiệm vụ số 1 nêu trên, Chính phủ yêu cầu:
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao:
- Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;
- Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
- Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
- Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
- Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
- Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 7 năm 2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan:
- Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về đấu thầu, đối tác công tư (PPP) nhằm khuyến khích, thu hút, huy động nguồn lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
- Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết quản lý tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2020.
- Thực hiện tổng kết, đánh giá Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật này cho phù hợp với thực tiễn.
- Nghiên cứu đề xuất khung pháp luật đối với hộ kinh doanh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ quý II năm 2024.
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư sản xuất kinh doanh nói chung, quy định điều kiện kinh doanh nói riêng.
Triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước
Để thực hiện nhiệm vụ thứ 2 nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan:
- Xây dựng các giải pháp, chính sách khai thác hiệu quả thị trường nội địa; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thao túng, chi phối thị trường, quan hệ cung - cầu hàng hóa, dịch vụ; tăng cường tính minh bạch và kiểm soát lạm dụng vị trí độc quyền kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
- Thúc đẩy và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai hiệu quả Chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030 phê duyệt kèm theo Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng giao cho Bộ Ngoại giao: chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020 - 2024” phê duyệt kèm theo Quyết định số 1797/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ,
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 phê duyệt kèm theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo dư địa cho kinh tế tư nhân phát triển và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng giao thông và kinh doanh bất động sản, nhà ở, xây dựng
 Để thực hiện nhiệm vụ thứ 3 về tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động tổng hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết với chi phí hợp lý, đảm bảo kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông, tăng cường liên kết giữa các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế.
- Nghiên cứu, rà soát, đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường hoạt động cho vay trực tiếp và tài trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy các ngân hàng thương mại hợp tác với Quỹ cho vay gián tiếp để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng giao thông do Nhà nước đầu tư thông qua đấu thầu, đấu giá tài sản, tạo môi trường cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia thuê quản lý, sử dụng và khai thác.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
- Tổ chức hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng các tiêu chí môi trường để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện cơ cấu lại và phát triển an toàn, đồng bộ thị trường chứng khoán, kiểm soát chặt chẽ và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các thị trường chứng khoán phái sinh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường chứng khoán.
Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức tín dụng nghiên cứu, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với các phương thức sản xuất kinh doanh, đối tượng khách hàng nhằm tăng cường kết nối các khâu trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị.
Bộ Xây dựng nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách về kinh doanh bất động sản, nhà ở, xây dựng đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, tạo nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các hợp đồng mua sắm công theo quy định của pháp luật đấu thầu về ưu đãi cho các gói thầu quy mô nhỏ.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế tư nhân trong phát triển kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn, địa bàn quản lý.