Chính sách tinh giản biên chế: Khắc phục những hạn chế từ thực tiễn

29/03/2023
Chính sách tinh giản biên chế: Khắc phục những hạn chế từ thực tiễn
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ (dự thảo) về chính sách tinh giản biên chế.
Tinh giản biên chế chưa thực sự hiệu quả
Về kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế, dự thảo Tờ trình cho biết, theo số liệu kiểm tra tinh giản biên chế đến 30/6/2022 của Bộ Nội vụ thì số liệu tinh giản biên chế của các bộ, ngành, địa phương đến nay là 79.024 người (bộ, ngành: 5.510 người, địa phương: 73.5134 người). Cụ thể: nếu tính theo đối tượng áp dụng thì số viên chức nghỉ tinh giản biên chế cao nhất (tỷ lệ 66,115%); cán bộ, công chức cấp xã (tỷ lệ 19,020%) và thấp nhất là người làm việc tại khu vực doanh nghiệp (tỷ lệ 0,216%); người làm việc tại các Hội (chiếm tỷ lệ 0,230%).
Theo Bộ Nội vụ, kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CCVC). Có ý kiến cho rằng việc tinh giản biên chế trong thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người tinh (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc.
Bên cạnh đó, có những trường hợp cán bộ, CCVC tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả không cao để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ nhằm thực hiện tinh giản biên chế. Thực trạng như vậy vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, công tác rà soát, đánh giá cán bộ, CCVC hàng năm của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, chưa chặt chẽ, khách quan; còn nể nang..., do đó việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các trường hợp có năng lực hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm hiện đảm nhiệm chưa thực sự hiệu quả...
Từ thực trạng trên, các bộ, ngành, địa phương kiến nghị xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về tinh giản biên chế để thay thế 3 Nghị định nêu trên, trên cơ sở kế thừa các chính sách hiện hành, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Mở rộng thêm một số trường hợp tinh giản biên chế
Bộ Nội vụ đề nghị sửa lại tên của dự thảo Nghị định thành “Quy định về tinh giản biên chế” để phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định là quy định về đối tượng; chính sách; trình tự, thời hạn giải quyết và trách nhiệm trong thực hiện tinh giản biên chế ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau: các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và được Nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao; Công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước nay được cấp có thẩm quyền bán hết phần vốn Nhà nước.
Về đối tượng tinh giản biên chế, kế thừa quy định còn phù hợp tại 3 Nghị định nêu trên, đối với đối tượng là lao động hợp đồng, dự thảo đề nghị áp dụng đối với lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định không áp dụng đối với lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, vì đối tượng này ký hợp đồng có thời gian không quá 12 tháng.
Kế thừa quy định về các trường hợp tinh giản biên chế quy định tại 3 Nghị định, dự thảo đề nghị bổ sung trường hợp là cán bộ, CCVC trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức Khiển trách hoặc Cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý cho phù hợp chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 20-KL/TW.
Đối với trường hợp cán bộ, CCVC chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, dự thảo đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với CCVC; riêng đối với cán bộ thì trong Đề án nhân sự để giới thiệu bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm nhân sự của mỗi nhiệm kỳ đã xác định rõ tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và nhân sự cụ thể, vì vậy đề nghị không đặt vấn đề tinh giản biên chế đối với cán bộ chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Ngoài ra, tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP quy định chưa xem xét giải quyết tinh giản biên chế đối với các trường hợp đang bị ốm đau, đang mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con dưới 36 tháng để nhằm bảo vệ quyền lợi đối với cán bộ, CCVC. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cá nhân có nguyện vọng tinh giản biên chế vì họ không đủ sức khỏe để làm việc. Theo đó, dự thảo đề nghị sửa đổi, nội dung này theo hướng chưa xem xét giải quyết tinh giản biên chế đối với các trường hợp này, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế.

baophapluat.vn