Thủ tục mới về đăng ký kết hôn với người nước ngoài: Đơn giản nhưng chặt chẽ

15/08/2006
Quy định mới về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đơn giản hơn nhưng cũng chặt chẽ hơn nhằm giảm thiểu các tiêu cực như trục lợi từ hôn nhân, mua bán phụ nữ...
Ngày 21-7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2006/NĐ - CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10-7-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Tại Nghị định này, đã có một số quy định mới nhằm đơn giản hơn thủ tục đăng ký kết hôn (ĐKKH) để tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời cũng có một số quy định chặt chẽ hơn nhằm giảm thiểu tình trạng lợi dụng quan hệ hôn nhân với người nước ngoài để trục lợi, mua bán phụ nữ...

Một số quy định mới trong hồ sơ ĐKKH

- Theo quy định trước đây tại điểm a khoản 1 Điều 13 của Nghị định 68/2002/NĐ-CP, thì một trong những giấy tờ mà hồ sơ ĐKKH của mỗi bên phải có là "Tờ khai ĐKKH theo mẫu quy định có xác nhận chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền về việc hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng. Đối với người nước ngoài, việc xác nhận người đó không có vợ hoặc không có chồng có thể bằng một văn bản riêng. Trong trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc xác nhận vào tờ khai hoặc cấp loại giấy này thì có thể thay thế bằng việc xác nhận lời tuyên thệ của đương sự về việc không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật nước đó.

Mục đích của việc quy định nộp loại giấy này là nhằm chứng minh tại thời điểm xin kết hôn, đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quan hệ hôn nhân với người nước ngoài luôn kéo theo một quan hệ pháp luật khá phức tạp do liên quan đến hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, mà mỗi quốc gia lại có một quy định riêng... Do đó, quy định như Nghị định 68 thì vừa cụ thể, nhưng lại chưa bảo đảm bao quát hết mọi trường hợp, đồng thời lại rối rắm, phức tạp do việc xác nhận tình trạng đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng có thể đi kèm với tờ khai ĐKKH... Nghị định 69 đã tách bạch thành hai loại giấy tờ khác nhau, vừa bảo đảm sự rõ ràng, lại bảo đảm thích ứng linh hoạt với quy định cụ thể khác nhau của pháp luật mỗi nước, đó là: "Tờ khai ĐKKH theo mẫu quy định" và "Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng. Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không có quy định xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng việc xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật nước đó. Như vậy, quy định mới này vừa đơn giản, lại bảo đảm tính chặt chẽ và thuận lợi cho người xin ĐKKH.

- Ngoài ra, theo quy định mới của Nghị định 69 thì hồ sơ ĐKKH cũng không cần có "Lý lịch cá nhân theo mẫu quy định" như quy định tại Nghị định 68 bởi vì thực tế cho thấy, việc quy định thêm loại giấy tờ này là không cần thiết.

Nghị định 69 cũng bỏ một số loại giấy tờ quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 13 của Nghị định 68, đó là: "Đối với người trước đây có vợ hoặc có chồng nhưng đã ly hôn thì phải nộp bản sao bản án, quyết định cho ly hôn đã có hiệu lực pháp luật, trong trường hợp bản án, quyết định cho ly hôn của Tòa án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài thuộc loại phải ghi chú vào sổ theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch thì bản án, quyết định đó phải được ghi chú trước khi nộp hổ sơ. Đối với người trước đây có vợ hoặc có chồng nhưng người vợ hoặc người chồng đó đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết thì phải nộp bản sao giấy chứng tử của người vợ hoặc người chồng đó".

Điều này xuất phát từ thực tế cho thấy, việc quy định thêm những loại giấy tờ này là không cần thiết, bởi vì chỉ cần giấy tờ xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng là đã đủ. Mặt khác, đặc biệt: đối với những trường hợp trước đây đã ly hôn ở nước ngoài, thuộc diện có bản án, quyết định cho ly hôn của Tòa án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài thuộc loại phải ghi chú vào sổ" theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch, nếu muốn kết hôn thì theo quy định cũ của Nghị định 68, người đó phải trải qua một thủ tục khác khá phức tạp, phiền hà, trước khi kết hôn, đó là thủ lục ghi chú bản án ly hôn. Thực tế cho thấy, thủ tục này cũng tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức của người xin ĐKKH. Do đó, việc Nghị định 69 cắt giảm được thủ tục này cũng là giảm một "gánh nặng" không nhỏ cho người xin ĐKKH và góp phần đáng kể vào công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

Như vậy, theo quy định mới thì người xin ĐKKH đã được giảm bớt một số loại giấy tờ không cần thiết, làm cho thủ tục kết hôn trở nên gọn nhẹ hơn.

Về thủ tục ĐKKH

Tuy giảm bớt một số loại giấy tờ trong hồ sơ ĐKKH nhưng Nghị định 69/2006/NĐ- CP có bổ sung thêm một "thủ tục" mới trong phần quy định về trình tự giải quyết việc ĐKKH tại Việt Nam, đó là "trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau. Việc phỏng vấn phải được lập thành văn bản cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn".

Quy định mới này nhằm bảo đảm cho thủ tục ĐKKH trở lên chặt chẽ hơn, tránh tình trạng nhiều người lợi dụng việc kết hôn với người nước ngoài để mua bán phụ nữ, trục lợi như thực tế thời gian qua đã diễn ra, đồng thời góp phần bảo đảm cho cô dâu Việt Nam được hạnh phúc hơn khi về nhà chồng...

Việc ĐKKH tại Cơ quan ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam cũng đã được bổ sung thủ tục phỏng vấn này.

Pháp luật Việt Nam