Cũng giống các doanh nghiệp khác, thủ tục phá sản áp dụng đối với tổ chức tín dụng (TCTD) lâm vào tình trạng phá sản gồm 4 bước: Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; phục hồi hoạt động kinh doanh; thanh lý tài sản, các khoản nợ và tuyên bố phá sản. Tòa án nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với TCTD.
Điều kiện xác định TCTD lâm vào tình trạng phá sản là TCTD không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản.
Những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm: Chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần của TCTD; người lao động làm việc trong TCTD; chủ sở hữu của TCTD nhà nước, cổ đông của TCTD cổ phần.
Ngoài ra, đại diện hợp pháp của TCTD có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận thấy tổ chức mình lâm vào tình trạng phá sản.
Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án phải thông báo cho NHNN biết. Tiếp đó, chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, NHNN phải có văn bản về việc có hoặc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của TCTD hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt.
Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có đủ 2 điều kiện: NHNN đã có văn bản về việc không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của TCTD và TCTD vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.
Đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phụ trách việc phá sản ra quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của TCTD lâm vào tình trạng phá sản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2010./.
Minh Đức