Sửa đổi, bổ sung một số quy định về hợp đồng lao động

25/06/2009
Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 (Thông tư 17/2009), sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH (Thông tư 21/2003) ngày 22/9/2003 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động.

Thông tư 17/2009 sửa đổi Khoản 2, Mục II, của Thông tư 21/2003, trong đó khoản tiền bảo hiểm xã hội mà người sử dụng lao động phải thanh toán theo tỷ lệ phần trăm so với tiền lương trên hợp đồng cho người lao động đang hưởng lương hưu hàng tháng và người làm việc có thời hạn dưới 03 tháng theo hợp đồng lao động đã giao kết được chia theo 4 giai đoạn: Từ thời điểm Thông tư 17/2009 có hiệu lực đến tháng 12/2009 là 15% (bằng với mức quy định hiện nay); bổ sung mức tỷ lệ % của 3 giai đoạn: từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011 là 16%, từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013 là 17% và từ 01/2014 trở đi là 18%. Bãi bỏ mức khống chế tiền thanh toán tàu xe đi lại khi nghỉ phép theo quy định tại Thông tư 21/2003 là 9%, theo hướng dẫn mới tiền tàu xe sẽ do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Cách tính và chi trả tiền trợ cấp thôi việc quy định tại khoản 3, mục III, Thông tư 21/2003 đã được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, người lao động làm việc ở nhiều công ty nhà nước do chuyển công tác trước ngày 01/01/1995, thì trợ cấp thôi việc được tính theo thời gian làm việc ở từng công ty nhà nước. Công ty nhà nước cuối cùng có trách nhiệm chi trả toàn bộ số tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động, kể cả phần trợ cấp thôi việc thuộc trách nhiệm chi trả của công ty nhà nước mà người lao động đã làm việc trước khi chuyển công tác trước ngày 01/01/1995, sau đó gửi thông báo theo mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư 17/2009 để yêu cầu hoàn trả số tiền đã được chi trả hộ. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc cho người lao động ở từng doanh nghiệp là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động được tính bình quân của 06 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động ở công ty nhà nước cuối cùng. Trường hợp công ty nhà nước được chi trả hộ đã chấm dứt hoạt động thì ngân sách nhà nước hoàn trả số tiền trợ cấp thôi việc đã được chi trả hộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Thông tư 17/2009 có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Riêng cách tính trợ cấp thôi việc quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/01/2009, ngày Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ có hiệu lực thi hành./.

N.C