Các quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý

08/12/2008
Ngày 5 tháng 12 năm 2008, Bộ Tư pháp có Quyết định số 07/2008/QĐ-BTP ban hành Quy chế bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Quy chế này quy định về đối tượng, chương trình, nội dung, hình thức tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, tổ chức kiểm tra cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Nhằm mục đích bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp cho người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm xây dựng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi và có phẩm chất đạo đức để cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý đúng pháp luật và có chất lượng.

Việc bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý phải bảo đảm các nguyên tắc khoa học, kịp thời và hiệu quả; đúng tiêu chuẩn, đối tượng theo quy hoạch và kế hoạch; công khai, minh bạch, công bằng và dân chủ.

Quy chế quy định Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thuộc Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thường xuyên và bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý theo kế hoạch. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thường xuyên cho người thực hiện trợ giúp pháp lý theo kế hoạch được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt.

Có 2 hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý bao gồm:

1. Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thường xuyên hoặc đột xuất được thực hiện theo kế hoạch hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất. Dành cho đối tượng là: Trợ giúp viên pháp lý; Chuyên viên đang làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm; Cộng tác viên trợ giúp pháp lý; Thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý;  Luật sư, Tư vấn viên pháp luật thuộc các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

Nội dung, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý thường xuyên bảo đảm trang bị những kiến thức sau đây:

Cập nhật kiến thức pháp luật mới; tổ chức và điều hành hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; quản lý và tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý; quan hệ phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tổng kết, đánh giá hoạt động trợ giúp pháp lý.

Kỹ năng trợ giúp pháp lý theo lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý; nghiệp vụ thông tin trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; giám sát và đánh giá chất lượng họat động trợ giúp pháp lý; kỹ năng làm việc với từng nhóm đối tượng đặc thù; một số kỹ năng khác cần thiết cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

Các vấn đề về quyền con người theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; trợ giúp pháp lý theo hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước; bình đẳng giới; bảo vệ trẻ em và các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo các chương trình, mục tiêu quốc gia.

2. Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho những người trong diện nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý. Dành cho những đối tượng có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có Bằng cử nhân Luật và có thời gian làm công tác pháp luật từ 2 năm trở lên;

+ Thuộc diện được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư;

+ Đã được tuyển dụng vào ngạch viên chức hoặc tương đương và đang làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh của Trung tâm hoặc là công chức đang công tác tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện và đã được Sở Tư pháp cử tham dự có kết quả khoá đào tạo nghề luật sư theo chương trình đào tạo của Học viện tư pháp;

+ Được Giám đốc Sở Tư pháp cử tham dự khoá bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý bằng văn bản.

Nội dung, chương trình bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý phải bảo đảm trang bị các kiến thức và kỹ năng sau đây:

Sự hình thành và phát triển của trợ giúp pháp lý trên thế giới và Việt Nam; các mô hình trợ giúp pháp lý trên thế giới; pháp luật về trợ giúp pháp lý; chính sách trợ giúp pháp lý và vị trí, vai trò của tổ chức trợ giúp pháp lý; quản lý và tổ chức thực hiện các họat động trợ giúp pháp lý; phối hợp giữa trợ giúp pháp lý với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Kỹ năng tư vấn pháp luật; đại diện trong và ngoài tố tụng; bào chữa; kiến nghị trợ giúp pháp lý; hòa giải trong trợ giúp pháp lý; giám sát chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng đặc thù (phụ nữ, trẻ em, người dân tộc, người già cô đơn, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS); quy tắc nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý; các vấn đề về quyền con người trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bình đẳng giới; bảo vệ trẻ em và các quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Người được cử tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định tại Quy chế này phải chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế khoá bồi dưỡng. Trường hợp người được cử đi bồi dưỡng mà vi phạm các quy định tại Quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị đình chỉ việc kiểm tra hoặc thông báo cho Giám đốc Sở Tư pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Người được cử tham dự bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý được cơ quan cử đi hỗ trợ kinh phí, được hưởng lương, bố trí thời gian học và  các chế độ khác theo quy định hiện hành.

Phương An