Công bố Luật Quốc tịch Việt Nam và Luật Thi hành án dân sự

05/12/2008

Thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ rất đơn giản

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, so với Luật năm 1998, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 có rất nhiều nội dung mới, quan trọng. Trước hết, về nguyên tắc quốc tịch, Luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch, những trường hợp ngoại lệ có thể đồng thời có quốc tịch nước ngoài được quy định cụ thể trong các điều luật. “Việc khẳng định một số ngoại lệ có thể có 2 quốc tịch không có nghĩa là từ bỏ nguyên tắc một quốc tịch mà chỉ là sửa đổi nguyên tắc này cho mềm dẻo hơn, phù hợp hơn so với Luật năm 1998” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh. Những trường hợp ngoại lệ này là những trường hợp được Chủ tịch nước cho phép khi xin nhập quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, trường hợp quốc tịch của trẻ em là con nuôi và trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn mong muốn giữ quốc tịch Việt Nam.

Về việc đăng ký giữ quốc tịch, so với Luật năm 1998, Luật quy định rõ về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam. Luật cũng bổ sung quy định việc không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là căn cứ để xác định mất quốc tịch Việt Nam.  Trả lời câu hỏi của đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí xung quanh quy định này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Thời hạn 5 năm này là để giải quyết những tồn đọng do lịch sử để lại. Việc phải đăng ký để giữ quốc tịch Việt Nam là giải pháp cụ thể để trong một thời gian nhất định nhà nước ta xác định được những ai trong số hơn 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn muốn giữ quốc tịch Việt Nam, qua đó, xác định rõ ràng tình trạng quốc tịch của họ, tạo điều kiện để làm tốt công tác quản lý về quốc tịch, thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân cũng như các chính sách ngày càng rộng mở của Đảng và Nhà nước đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Sau thời hạn này, kiều bào mất quốc tịch Việt Nam hoàn toàn có thể làm thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam và tinh thần là thủ tục trở lại Việt Nam sẽ rất đơn giản”. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thêm, từ khi thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam 1998 đến nay, đã có 2.300 kiều bào đăng ký và được cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam. Con số này chắc chắn sẽ có nhiều chuyển biến trong thời gian tới, tuy nhiên, cũng còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật tại các nước mà kiều bào đang cư trú.

Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề quốc tịch cho những người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam, Luật quy định người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật có hiệu lực thi hành thì được nhập quốc tịch Việt Nam. Đây là quy định rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết cho một bộ phận những người đang thường trú ở Việt Nam, chưa có quốc tịch Việt Nam mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam theo một trình tự, thủ tục đơn giản nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ đúng thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Đồng thời, Luật bổ sung các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch nhằm cải cách thủ tục hành chính. Luật Quốc tịch Việt Nam sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009

Thành công mới nhân rộng chế định Thừa phát lại

Cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009, Luật Thi hành án dân sự cũng được công bố trong ngày hôm qua. Luật Thi hành án dân sự (THADS) là một đạo luật mới gồm 9 chương, 183 Điều. Về cơ bản, Luật kế thừa các quy định của Pháp lệnh THADS năm 2004 và các văn bản hướng dẫn có liên quan đã được thực tiễn kiểm nghiệm và pháp điển hoá thành quy định của Luật. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự, hạn chế tối đa tình trạng án tồn đọng kéo dài, bên cạnh việc sửa đổi một số quy định hiện hành, Luật đã bổ sung rất nhiều quy định mới, quan trọng.

Cụ thể, Luật quy định rõ nguyên tắc về hệ thống tổ chức cơ quan THADS, nhất là phân định rõ cơ quan quản lý THADS và cơ quan THADS trong hệ thống tổ chức, tạo cơ sở cho Chính phủ quy định cụ thể mô hình tổ chức cơ quan THADS. Để khắc phục những vướng mắc trong thời gian qua trong việc tuyển dụng, bố trí sử dụng, điều động, luân chuyển Chấp hành viên, Luật THADS quy định Chấp hành viên có 3 ngạch gồm: Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp, đồng thời quy định việc bổ nhiệm Chấp hành viên phải thông qua thi tuyển và bỏ quy định hiện hành về việc bổ nhiệm Chấp hành viên theo nhiệm kỳ. Thời hiệu yêu cầu thi hành án theo Luật được quy định là 5 năm để bảo vệ quyền lợi của đương sự.  Bên cạnh đó, Luật lần này quy định theo hướng phân biệt rõ điều kiện để miễn và điều kiện để giảm THA nhằm khuyến khích đương sự tích cực chấp hành án. Ngoài ra, còn có nhiều quy định mới liên quan tới các biện pháp bảo đảm THA; biện pháp và thủ tục cưỡng chế THA; về định giá, định giá lại, bán đấu giá tài sản kê biên; về thi hành nghĩa vụ buộc nhận người lao động trở lại làm việc; về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong THADS....

Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Việc lần đầu tiên Quốc hội ban hành Luật THADS là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, lâu dài cho công tác THADS, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho  việc tạo những chuyển biến cơ bản trong hoạt động này trong thời gian tới. Trước mắt sẽ cơ bản khắc phục được tình trạng tồn đọng án kéo dài, về lâu dài sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động THA, đặc biệt là bảo vệ tốt hơn quyền của người được THA, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án, quyết định của Toà án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại”.

Nội dung được nhiều đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm tại buổi họp báo hôm qua là Nghị quyết về việc THADS. Theo Nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 1/7/2012. Trên cơ sở kết quả thí điểm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, Nghị quyết quy định về việc miễn thi hành theo thủ tục rút gọn đối với khoản nghĩa vụ không quá 500 nghìn đồng.

Trả lời câu hỏi của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí về tiến độ thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Đề án về việc thí điểm Thừa phát lại đã được Bộ Tư pháp cơ bản chuẩn bị xong, trước mắt, sẽ thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến vào nửa cuối năm 2009, sẽ thành lập 2 - 3 tổ chức Thừa phát lại tại một quận của thành phố Hồ Chí Minh. Tinh thần là tại quận có tổ chức Thừa phát lại thì vẫn có tổ chức THADS của Nhà nước. Khi đó, người dân có thể lựa chọn, có thể đến Thừa phát lại hoặc đến cơ quan THADS của Nhà nước để yêu cầu THA. Sau khi triển khai thí điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh một thời gian, nếu thành công, Bộ Tư pháp sẽ triển khai tiếp chế định Thừa phát lại ở các tỉnh, thành khác.

Hồng Thuý