1. Đối tượng áp dụng:
- Công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước;
- Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài);
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động
2. Mức lương:
Mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp nói trên áp dụng như sau:
- Mức 800.000đ/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (các quận thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh);
- Mức 740.000đ/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II
- Mức 690.000đ/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng III;
- Mức 650.000đ/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV.
(Danh mục các địa bàn vùng tại Phụ lục kèm theo Nghị định này)
Đối với các công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước mà bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 4, Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý lao động, tiền lương, thu nhập trong các công ty nhà nước thì được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 1,34 lần so với mức lương tối thiểu chung; trường hợp bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 206/2004/NĐ-CP và có lợi nhuận kế hoạch cao hơn từ 5% trở lên so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề thì áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa không quá 2 lần so với mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định số 166/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 để tính đơn giá tiền lương.
Đối với doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động thì mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng theo quy định ở trên, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009. Bãi bỏ Nghị định số 167/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia định, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động
L.H