1. Sự cần thiết phải ban hành Thông tư số 05/2008/TT-BTP
Ngày 05/12/1998, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 07/1998/TT-BTP hướng dẫn về công tác quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Thông tư 07). Qua mười năm triển khai thực hiện, Thông tư 07 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều chỉnh cụ thể các vấn đề có liên quan đến quản lý công tác trợ giúp pháp lý cũng như các vấn đề về thực hiện trợ giúp pháp lý. Thông tư 07 đã xác định rõ phạm vi trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; cụ thể hoá các vấn đề về thủ tục thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước, công tác chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm, tiêu chuẩn chuyên viên trợ giúp pháp lý và quy tắc nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; cũng như các quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý, đối tượng được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục thực hiện, lưu trữ hồ sơ trợ giúp pháp lý, chế độ báo cáo và các vấn đề khác có liên quan đến quan hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong công tác trợ giúp pháp lý. Vì vậy, Thông tư 07 là một trong những văn bản có vị trí quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho đến trước thời điểm Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và sự đa dạng, phong phú của các hình thức trợ giúp pháp lý, phương thức trợ giúp pháp lý, Thông tư 07 đã xuất hiện những vướng mắc, hạn chế nhất định, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thời điểm ban hành Thông tư 07, nhiều quan hệ xã hội trong hoạt động trợ giúp pháp lý chưa phát sinh, mạng lưới tổ chức trợ giúp pháp lý chưa được thành lập ở tất cả các địa phương, các mô hình trợ giúp pháp lý (Chi nhánh, Tổ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý) chưa được định hình cụ thể, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý còn mỏng, đang trong quá trình hình thành; phạm vi quản lý công tác trợ giúp pháp lý còn hẹp mà chưa có điều kiện để nghiên cứu, ban hành trên cơ sở kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý.
Thứ hai, trình tự, thủ tục thực hiện trợ giúp pháp lý, hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý mới được quy định ở những nét chung nhất, mang tính khái quát đối với toàn bộ quá trình thực hiện một vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể mà chưa có điều kiện cụ thể hoá, bóc tách rõ ràng đối với từng hình thức trợ giúp pháp lý. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý và theo dõi việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý chưa được chú trọng.
Thứ ba, các vấn đề liên quan đến điều kiện thụ lý vụ việc (giấy tờ xác nhận thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, phạm vi trợ giúp pháp lý, nội dung liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý...); thực hiện trợ giúp pháp lý đối với các hình thức trợ giúp pháp lý (trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các hình thức trợ giúp pháp lý khác) và các hoạt động khác trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cũng chưa được quy định cụ thể do nhiều vấn đề chưa phát sinh.
Với sự ra đời của Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Nghị định số 07/2007/NĐ-CP), nhiều quy định của Thông tư 07 không còn phù hợp, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các vấn đề có liên quan đến hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.
2. Những nội dung cơ bản của Thông tư số 05/2008/TT-BTP
Thông tư số 05/2008/TT-BTP được bố cục thành 03 Phần, bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:
Phần A: Hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý
Mục I: Thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý. Mục này Thông tư số 05/2008/TT-BTP hướng dẫn cụ thể về các vấn đề có liên quan đến kiểm tra yêu cầu trợ giúp pháp lý, đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc, giấy tờ chứng minh người có yêu cầu là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, phạm vi trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Mục II: Thực hiện trợ giúp pháp lý. Mục này Thông tư số 05/2008/TT-BTP làm rõ về các vấn đề có liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện trợ giúp pháp lý đối với từng hình thức trợ giúp pháp lý cụ thể như: hình thức tư vấn pháp luật (tại trụ sở, qua điện thoại, yêu cầu trợ giúp pháp lý được chuyển đến bằng thư tín, fax, qua trợ giúp pháp lý lưu động, qua sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý); hình thức tham gia tố tụng (trong vụ án hình sự; vụ, việc dân sự; vụ án hành chính); hình thức đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác (hoà giải; hướng dẫn thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác). Ngoài ra, mục này cũng hướng dẫn cụ thể về các hoạt động khác trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý (cử người cùng tham gia hỗ trợ, phối hợp thực hiện; phối hợp xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý; chuyển giao vụ việc trợ giúp pháp lý; kiến nghị về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật...).
Mục III: Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý. Mục này Thông tư số 05/2008/TT-BTP làm rõ các nội dung liên quan đến hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý tương ứng với từng hình thức trợ giúp pháp lý cụ thể cũng như yêu cầu đối với một hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến cách thức tổng hợp số liệu vụ việc trợ giúp pháp lý, cách thức lập, đánh dấu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý cũng được hướng dẫn cụ thể và chi tiết tại mục này.
Mục IV: Thẩm định, đánh giá chất lượng. Mục này Thông tư số 05/2008/TT-BTP hướng dẫn cụ thể về các vấn đề liên quan đến vấn đề tự thẩm định, đánh giá hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý và vấn đề thẩm định, đánh giá của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý đã hoàn thành.
Mục V: Cơ sở bảo đảm cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Mục này Thông tư số 05/2008/TT-BTP làm rõ các nội dung liên quan đến yêu cầu về địa điểm tiếp và làm việc với người có yêu cầu được trợ giúp pháp lý, các nội dung cần niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, bố trí người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp người đến yêu cầu trợ giúp pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác trợ giúp pháp lý và tủ sách pháp luật, các phương tiện làm việc thiết yếu, con dấu của Trung tâm và Chi nhánh, biểu tượng trợ giúp pháp lý.
Phần B: Quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý
Mục I: Cơ quan quản lý công tác trợ giúp pháp lý. Mục này Thông tư số 05/2008/TT-BTP hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao quản lý công tác trợ giúp pháp lý, bao gồm Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Tư pháp) trên cơ sở các quy định về cơ quan quản lý nhà nước và nội dung quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP.
Mục II: Chế độ thống kê, báo cáo, lưu trữ. Mục này Thông tư số 05/2008/TT-BTP quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến chế độ thống kê, báo cáo, lưu trữ trong hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến việc thống kê số liệu vụ việc trợ giúp pháp lý, chế độ báo cáo của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tư pháp cũng như thời gian gửi báo cáo. Các vấn đề cụ thể sẽ do Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý hướng dẫn chi tiết.
Mục III: Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mục này Thông tư số 05/2008/TT-BTP quy định cụ thể về chủ thể có thẩm quyền, đối tượng, nội dung, thời gian và cơ chế kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý.
Phần C: Hiệu lực thi hành
Phần này Thông tư số 05/2008/TT-BTP quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến hiệu lực thi hành. Theo đó, Thông tư số 05/2008/TT-BTP sẽ có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 07/1998/TT-BTP ngày 05/12/1998 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về công tác quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý.
Có thể nói, việc ban hành Thông tư số 05/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 23/9/2008 hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý là rất thiết thực, các nội dung trong Thông tư số 05/2008/TT-BTP không chỉ kịp thời khắc phục được những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP mà còn giúp các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và người được trợ giúp pháp lý thực hiện hiệu quả hơn trong việc áp dụng, bảo đảm tính công khai, minh bạch các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Hoàng Huy - Phòng Quản lý Nghiệp vụ, Cục Trợ giúp pháp lý