Liên Bộ Tài chính - Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động của tổ chức TGPL nhà nước.

29/09/2008
Triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg, để bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động trợ giúp pháp lý, Liên Bộ Tài chính – Tư pháp đã ban hành Thông tư số 81/2008/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý nhà nước.

Thông tư hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước (Cục Trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm). Kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 

Theo đó, nguồn kinh phí bảo đảm cho các  hoạt động của tổ chức TGPL nhà nước như sau:  

- Các khoản chi chuyên môn nghiệp vụ TGPL (Chi bồi dưỡng và chi phí hành chính hợp lý đối với cộng tác viên; Chi thực hiện TGPL lưu động, hỗ trợ chi phí sinh hoạt của Câu lạc bộ TGPL, sinh hoạt chuyên đề pháp luật; Chi truyền thông, cung cấp thông tin liên quan đến TGPL; in ấn các biểu mẫu, đơn từ; Chi tổ chức hội nghị, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; Chi nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận giải quyết vụ việc; sơ kết, tổng kết về TGPL; phối hợp về TGPL; Chi đi xác minh vụ việc TGPL để thực hiện kiến nghị thi hành pháp luật; Chi kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; Chi các hoạt động phối hợp trong tố tụng; Chi bồi thường thiệt hại do lỗi của Trung tâm gây ra trong quá trình thực hiện TGPL cho người được TGPL)  

- Các khoản chi khác đối với đơn vị sự nghiệp (chi thực hiện nhiệm vụ TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia; chi vốn đối ứng khi thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài tài trợ; chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao; chi thực hiện các dự án từ nguồn tài trợ của nước ngoài; chi theo phạm vi hỗ trợ của Quỹ TGPL theo quy định của pháp luật); 

Thông tư cũng hướng dẫn mức chi cụ thể đối với 1 số hoạt động nghiệp vụ đặc thù của công tác trợ giúp pháp lý ; thủ tục thanh toán đối với các mục chi cụ thể nhằm bảo đảm kinh phí hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. 

Thông tư có hiệu lực 15 ngày kể từ ngày đăng công báo, thay thế Thông tư liên tịch số 21/2002/TTLT/BNV-BTC-BTP ngày 26/12/2008 của Liên Bộ Nội vụ - Tài chính – Tư pháp hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với Cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý và thay thế Mục IV Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TCCP-LĐTBXH ngày 14/01/1998 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. 

Trần Nguyên Tú