Hướng dẫn các điều kiện sản xuất và kinh doanh rượu

30/07/2008
Ngày 25/7 vừa qua, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 10/2008/TT-BCT Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 12/1999/TT-BTM ngày 19 tháng 5 năm 1999 của Bộ Thương mại hướng dẫn kinh doanh mặt hàng rượu. Để cá nhân, tổ chức nắm bắt được các quy định về điều kiện sản xuất và kinh doanh rượu, sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Thông tư này.

1. Điều kiện cấp giấy phép sản xuất rượu.

Tổ chức được cấp Giấy phép sản xuất rượu cần phải đáp ứng đủ 06 điều kiện sau đây:

Một là, điều kiện về chủ thể: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật có đăng ký kinh doanh sản xuất rượu.

Hai là, điều kiện về đầu tư: Quy mô, địa điểm đầu tư cơ sở sản xuất phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát.

Ba là, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, con người: Có dây chuyền máy móc thiết bị chuyên ngành để thực hiện các công đoạn chính như nấu, lên men, chưng cất, chiết rót... phù hợp với các công đoạn và quy mô sản xuất; Có quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm rượu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; Có các thiết bị để đo lường, kiểm tra chất lượng men rượu, hàm lượng đường, nồng độ cồn trong quá trình sản xuất; Diện tích cơ sở sản xuất bao gồm khu chế biến và khu bảo quản có tổng diện tích không dưới 500m2, trong đó phải bố trí kho riêng cho bảo quản sản phẩm; Có các thiết bị để kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm của khu chế biến và khu bảo quản phù hợp quy mô sản xuất; Phải có hợp đồng lao động với người có đủ trình độ kỹ thuật, chuyên môn (có bằng trung cấp trở lên) hoặc có kinh nghiệm lâu năm (nghệ nhân có giấy chứng nhận) phù hợp với ngành nghề sản xuất rượu; Người lao động tham gia trực tiếp sản xuất phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ, không mắc bệnh truyền nhiễm do cơ quan y tế cấp.

Bốn là, điều kiện về chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm rượu: Phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh theo quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn cơ sở và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.

Năm là, điều kiện về sở hữu nhãn hiệu hàng hoá: Phải có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hoá đã được đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam.

Sáu là, điều kiện về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ: Dây chuyền máy móc thiết bị phải được bố trí trong không gian đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ; Phải có đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy bảo đảm phòng chống cháy nổ theo quy định.

2. Thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất rượu

- Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu đối với những dự án đầu tư sản xuất rượu có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên.

- Sở Công Thương địa phương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu đối với những dự án đầu tư sản xuất rượu có quy mô dưới 03 triệu lít/năm tại địa phương.

3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu; Bản sao hợp lệ Giấy phép đầu tư hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận mã số thuế; Tài liệu liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và con người (như: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 05 năm gần nhất, trong đó cần nêu rõ chỉ tiêu sản lượng sản xuất đối với từng nhóm sản phẩm rượu, các khoản thuế đã nộp, lợi nhuận (đối với các cơ sở sản xuất rượu đang hoạt động); Dự kiến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (sản lượng từng nhóm sản phẩm, nộp thuế, lợi nhuận) cho 05 năm tiếp theo kể từ năm xin cấp Giấy phép...); Tài liệu liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; Tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

- Về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở xem xét và cấp Giấy phép sản xuất rượu. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do; Giấy phép sản xuất rượu có thời hạn 05 năm. Trước thời điểm hết hiệu lực của Giấy phép 30 ngày, doanh nghiệp sản xuất rượu phải có văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép gửi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép để xem xét cấp lại.

4. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn, đại lý bán buôn rượu

Thương nhân muốn được cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn, đại lý bán buôn rượu phải đáp ứng 04 điều kiện sau đây:

Một là, thương nhân là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký kinh doanh mua, bán rượu.

Hai là, có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.

Ba là, có kho hàng (hoặc hệ thống kho hàng) phù hợp với qui mô kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm những điều kiện về bảo quản chất lượng rượu, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Bốn là, có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng bán buôn, hợp đồng đại lý bán buôn với ít nhất một nhà cung cấp rượu (thương nhân nhập khẩu, cơ sở sản xuất hoặc của thương nhân bán buôn khác); tổ chức hệ thống phân phối ổn định trên địa bàn.

5. Thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh rượu

- Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh bán buôn (hoặc đại lý bán buôn) rượu đối với thương nhân kinh doanh trên địa bàn từ hai (02) tỉnh trở lên;

- Sở Công Thương địa phương là cơ quan cấp Giấy phép bán buôn (hoặc đại lý bán buôn) rượu đối với thương nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

6. Hồ sơ, trình tự thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh rượu

- Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh rượu gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh rượu; Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận mã số thuế; Phương án kinh doanh; Văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng bán buôn, hợp đồng đại lý bán buôn với ít nhất một nhà cung cấp rượu đối với thương nhân bán buôn; Hồ sơ về địa điểm kinh doanh.

- Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh rượu: Thương nhân kinh doanh bán buôn rượu từ 02 tỉnh trở lên gửi hồ sơ về Bộ Công Thương; Thương nhân kinh doanh bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi hồ sơ về Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về công thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh rượu. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do; Thời hạn hiệu lực của Giấy phép kinh doanh rượu là 05 năm kể từ ngày cấp. Trước thời điểm hết hiệu lực của Giấy phép 30 ngày, thương nhân phải có văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép gửi về cơ quan quản lý Nhà nước về công thương nơi đã cấp Giấy phép cho thương nhân.

Xin lưu ý, Điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh; Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ rượu được quy định đơn giản hơn và thẩm quyền cấp Giấy phép là Phòng Công thương thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện./.

Hải Yến