Theo đó, chủ đầu tư đánh giá nhà thầu là đạt hay không đạt, căn cứ vào: Tiêu chuẩn về kinh nghiệm xây dựng: Số năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng; kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tương tự bảo đảm tiến độ và chất lượng (số năm, số lượng hợp đồng, giá hợp đồng).
Tiêu chuẩn về năng lực kỹ thuật: về nhân sự (số lượng, năng lực và trình độ cán bộ chủ chốt thực hiện gói thầu); về thiết bị thi công như số lượng, chủng loại, khả năng huy động đối với các thiết bị thi công cần thiết.
Tiêu chuẩn về năng lực tài chính: về doanh thu trung bình trong một số năm gần đây (thường là 3 năm); tình hình tài chính lành mạnh, tuỳ theo thực tế gói thầu mà yêu cầu nhà thầu hoạt động bình quân có lãi ở mức nào; khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của của nhà thầu; lưu lượng tiền mặt mà nhà thầu có.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn này, chủ đầu tư xét duyệt nhà thầu trúng sơ tuyển hay không, nếu trúng thì được tham gia đấu thầu ở bước tiếp theo.
Điều kiện để nhà thầu được xét duyệt trúng sơ tuyển: Có hồ sơ dự sơ tuyển hợp lệ; hồ sơ đó được đánh giá về năng lực và kinh nghiệm là đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định trên.
Ngoài những nội dung trên, Quyết định cũng quy định một số nội dung liên quan đến Bảng dữ liệu sơ tuyển. Bảng dữ liệu sơ tuyển là Bảng bao gồm các nội dung chi tiết của gói thầu. Dựa vào Bảng này mà nhà thầu muốn tham gia sơ tuyển gói thầu xây lắp biết được mình có đáp ứng các điều kiện mà chủ đầu tư đưa ra hay không. Từ đó mới nộp hồ sơ mời sơ tuyển cho nhà đầu tư. Những nội dung trong Bảng sơ tuyển bao gồm: Tên Dự án, tên gói thầu, nội dung công việc chủ yếu, nguồn vốn thực hiện gói thầu, thời gian tổ chức đấu thầu; tư cách hợp lệ của nhà thầu; yêu cầu về năng lực hoạt động xây dựng; thời điểm đóng sơ tuyển…
Nguyễn Đình Thơ