Triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15

03/04/2024
Ngày 02/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 274/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước với các nội dung sau:
1- Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật
a) Tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật ở Trung ương
b) Tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật tại các địa phương
c) Tổ chức tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng
d) Tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật
2- Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước; rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước.
b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tài nguyên nước thuộc lĩnh vực phụ trách, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước.
d) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai thực hiện các nội dung đã giao tại điểm b và điểm c của mục này, gửi danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 năm 2024 để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và phối hợp thực hiện theo quy định.
3- Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước
a) Xây dựng các văn bản theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 6
b) Xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024
c) Xây dựng Nghị định có nội dung quy định việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sinh hoạt theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Tài nguyên nước
d) Rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác được giao trong Luật Tài nguyên nước
4- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong Luật
Căn cứ quy định của Luật Tài nguyên nước, các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông, nguồn nước; có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao tại khoản 2 Điều 79 Luật Tài nguyên nước và các nhiệm vụ cụ thể.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước nông thôn và bảo đảm về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan (căn cứ khoản 3 Điều 79 Luật Tài nguyên nước) và các nhiệm vụ cụ thể.
c) Bộ Công Thương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan (căn cứ khoản 4 Điều 79 Luật Tài nguyên nước) và các nhiệm vụ cụ thể.
d) Bộ Xây dựng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình cấp, thoát nước đô thị, các khu dân cư nông thôn tập trung và khu chức năng thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan (căn cứ khoản 5 Điều 79 Luật Tài nguyên nước) và các nhiệm vụ cụ thể.
đ) Bộ Ngoại giao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương liên quan tham gia ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế liên quan đến tài nguyên nước; tham gia thực hiện hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực tài nguyên nước (căn cứ khoản 6 Điều 79 Luật Tài nguyên nước) và thực hiện nhiệm vụ khác được giao trong Luật.
e) Bộ Quốc phòng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện xây dựng, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, sự cố mất an toàn đập, hồ chứa, ứng phó với sự cố, thảm hoạ, tìm kiếm cứu nạn liên quan đến nước theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự, pháp luật về tình trạng khẩn cấp và pháp luật có liên quan; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống quan trắc nguồn nước xuyên biên giới (căn cứ khoản 7 Điều 79 Luật Tài nguyên nước).
g) Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thảm họa liên quan đến nước; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, khu vực xảy ra sự cố, thảm họa liên quan đến nước theo quy định của pháp luật (căn cứ khoản 5 Điều 26 và khoản 8 Điều 79 Luật Tài nguyên nước).
h) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước được giao tại khoản 1 Điều 80 Luật Tài nguyên nước và các nhiệm vụ cụ thể.