Việc tăng vốn điều lệ của các Ngân hàng Thương mại cổ phần sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn

08/07/2008
Ngày 04/7/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Quyết định số 20/2008/QĐ-HNNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu và vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước và nhân dân ban hành theo Quyết định số 1122/2001/QĐ-NHNN ngày 04/9/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nếu như trước đây theo Quyết định số 1122, Hồ sơ đề nghị chấp thuận thay đổi mức vốn điều lệ gồm: Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng quản trị (nêu rõ lý do, sự cần thiết); Biên bản Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi mức vốn điều lệ; Phương án thay đổi mức vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua; Danh sách và tỷ lệ vốn cổ phần của các cổ đông lớn trước và sau khi thay đổi (ghi đủ các thông tin theo quy định tại điểm d Điều 11 Quy định này). Đơn xin mua cổ phần của các cổ đông lớn theo quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 15 của Quy định này; Các văn bản khác có liên quan theo quy định của pháp luật. Hiện nay, theo Quyết định số 20, nội dung trên được sửa đổi theo hướng cụ thể và chặt chẽ hơn, như phương án thay đổi mức vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó phải nêu được tối thiểu các nội dung sau:

- Nhu cầu để quyết định thay đổi mức vốn điều lệ (nêu rõ việc sử dụng vốn đối với mỗi nhu cầu tương ứng);

-  Đánh giá hiệu quả kinh doanh dự kiến sau khi thay đổi mức vốn điều lệ: Trong đó nêu rõ các chỉ tiêu dự kiến sau khi thay đổi mức vốn điều lệ gồm: mức (số tuyệt đối và tỷ trọng) tăng trưởng Tổng tài sản có, tín dụng, huy động tiền gửi của khách hàng và tiền gửi và vay của các Tổ chức tín dụng khác; các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân ( ROE), tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân (ROA);

- Đánh giá khả năng quản trị, điều hành, kiểm soát của Hội đồng quản trị, Ban điều hành và hệ thống kiểm soát nội bộ đối với quy mô vốn và quy mô hoạt động sau khi thay đổi mức vốn điều lệ;

- Kế hoạch thay đổi mức vốn điều lệ trong năm tài chính phải nêu được tối thiểu các nội dung sau đây: Tổng mức vốn điều lệ dự kiến thay đổi; Các đợt dự kiến phát hành trong năm; Phương án phát hành cho từng đợt: các loại đối tượng được mua, giá chào bán cho từng loại đối tượng (trường hợp chưa xác định được thì ghi chưa xác định được, tuy nhiên giá chào bán cổ phần phải phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp), thời điểm bán và các điều kiện khác liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của từng loại đối tượng nếu có; Dự kiến thay đổi về cơ cấu sở hữu của các cổ đông sở hữu 5% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng thương mại cổ phần sau mỗi đợt thay đổi mức vốn điều lệ và lý do của sự thay đổi này.

Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh trong việc chấp thuận thay đổi mức vốn điều lệ, nếu như trước đây, theo Quyết định 1122, Ngân hàng thương mại cổ phần phải lập hồ sơ theo quy định trên gửi Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi ngân hàng đặt Trụ sở chính. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và có văn bản chấp thuận cho đơn vị thay đổi mức vốn điều lệ. Trường hợp xét thấy hồ sơ không đảm bảo quy định, việc thay đổi không cần thiết và không phù hợp các quy định của pháp luật thì Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu bổ sung hoặc nêu rõ lý do không chấp thuận gửi Ngân hàng thương mại cổ phần biết và thực hiện. Hiện nay, theo Quyết định 20, nội dung trên được sửa đổi: Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm:

- Thẩm định hồ sơ;

- Đánh giá phương án thay đổi mức vốn điều lệ, hiệu quả hoạt động của ngân hàng sau khi thay đổi mức vốn điều lệ, khả năng quản trị, kiểm soát của ngân hàng đối với quy mô vốn và quy mô hoạt động sau khi thay đổi mức vốn điều lệ, năng lực tài chính của cổ động hiện hoặc dự kiến sở hữu 5% vốn điều lệ trở lên và cổ đông là tổ chức tín dụng;

- Kiểm tra năng lực tài chính của các cổ đông mua cổ phần. Đối với cổ đông là tổ chức tín dụng thì sau khi mua cổ phần phải tuân thủ quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng. Đối với cổ đông là tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng đang hoặc dự kiến sở hữu 5% vốn điều lệ trở lên phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi các khoản đầu tư dài hạn được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu, tài sản ngắn hạn trừ đi nợ ngắn hạn còn lại tối thiểu bằng số vốn mua cổ phần của ngân hàng thương mại cổ phần. Các chỉ tiêu trên được xác định căn cứ vào báo cáo tài chính của tổ chức đó. Đối với cổ đông là cá nhân đang hoặc dự kiến sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng thương mại cổ phần phải chứng minh được khả năng góp vốn vào ngân hàng qua việc kê khai thu nhập, tài sản của cá nhân theo quy định;

- Có ý kiến đề xuất cụ thể trình Thống đốc Ngân hàng nhà nước xem xét, trong đó nêu rõ quan điểm đồng ý, không đồng ý việc thay đổi mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần. Sau khi có ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có văn bản chấp thuận việc ngân hàng thương mại cổ phần thay đổi mức vốn điều lệ. Trong trường hợp chưa hoặc không chấp thuận việc Ngân hàng thương mại cổ phần thay đổi mức vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phải có văn bản nêu rõ lý do trả lời đơn vị.

Ngoài ra, Quyết định số 20 còn bổ sung một số nội dung liên quan đến  trách nhiệm của các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong vấn đề này.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.

Thuý Quỳnh