Nguyên tắc hoạt động hoá chất theo Luật Hoá chất: Bảo đảm an toàn là trên hết

08/07/2008
Luật Hoá chất (được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 và có hiệu lực từ 1/7/2008) là cơ sở pháp lý bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường trong hoạt động hoá chất, góp phần phát triển công nghiệp hoá chất bền vững. Luật Hoá chất có hiệu lực có một ý nghĩa xã hội quan trọng nhất là sau một thời gian dài, hoạt động hoá chất chưa được kiểm soát chặt chẽ, các quy định về hoạt động hoá chất còn chồng chéo, mâu thuẫn và trùng lặp làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động hoá chất, đôi khi gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Luật có 10 chương 71 điều qui định nguyên tắc hoạt động hoá chất phải bảo đảm an toàn cho người, tài sản, hệ sinh thái và môi trường; trật tự, an toàn xã hội. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động hoá chất, đặc biệt đối với hoá chất mới, hoá chất nguy hiểm, hoá chất hạn chế kinh doanh, hoá chất cấm. Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về đặc tính nguy hiểm của hoá chất và các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Bảo đảm an toàn

Trước một số sự cố liên quan đến hoá chất như rò rỉ hoá chất gây cháy nổ, bỏng, ngộ độc; gây ra một số bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp, gây tử vong, đột biến gen... làm thiệt hại tài sản xã hội và tác động xấu đến môi trường sinh thái, để đảm bảo độ an toàn trong sử dụng hoá chất, Luật Hoá chất nghiêm cấm các hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, sử dụng, gửi, cho, tặng hoá chất nguy hiểm trái quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Không công bố thông tin cần thiết, cung cấp thông tin không đầy đủ, thông tin sai lệch, che dấu thông tin về đặc tính nguy hiểm của hoá chất, sản phẩm chứa hoá chất nguy hiểm; Sử dụng hoá chất không thuộc danh mục được phép sử dụng, hoá chất không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, vượt quá hàm lượng cho phép để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hoá chất tiêu dùng; Sử dụng hoá chất độc để săn bắt động vật, thực hiện các hành vi xâm hại đến sức khoẻ con người, tài sản và môi trường.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoá chất phải thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hoá chất theo quy định của Luật Hoá chất, các quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm an toàn cho người lao động, sức khoẻ cộng đồng và môi trường như phải có đầy đủ trang thiết bị bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải; phương tiện vận chuyển; bảng nội quy về an toàn hoá chất; hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hoá chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh hoá chất nguy hiểm. Trường hợp hoá chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoá chất còn phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn và xử lý chất thải. Cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hoá chất.

Trong sản xuất, kinh doanh hoá chất phải có người chuyên trách về an toàn hoá chất có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh hoá chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hoá chất. Người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoá chất phải có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công. Người trực tiếp điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất hoá chất nguy hiểm phải có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành hoá chất. Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hoá chất thuộc Danh mục hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện được quy định chặt chẽ trong Luật.

Xử lý hoá chất độc

Khi phát hiện có hoá chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc, hoá chất, sản phẩm bị tịch thu chứa hoá chất độc, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thống kê và thông báo cho Bộ TN&MT về địa điểm, số lượng hoá chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc; hoá chất, sản phẩm chứa hoá chất độc bị tịch thu tại địa phương mình. Trên cơ sở thông tin, số liệu này, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan, UBND cấp tỉnh xây dựng phương án xử lý hoá chất độc tồn dư, hoá chất, sản phẩm chứa hoá chất độc bị tịch thu. UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện phương án xử lý hoá chất độc tồn dư, hoá chất, sản phẩm chứa hoá chất độc bị tịch thu dưới sự kiểm tra, theo dõi của Bộ TN&MT theo quy định của Luật Hoá chất và pháp luật về bảo vệ môi trường. Toàn bộ chi phí cho quá trình xử lý hoá chất độc tồn dư, hoá chất, sản phẩm chứa hoá chất độc bị tịch thu do tổ chức, cá nhân có hoá chất độc, sản phẩm chứa hoá chất độc bị tịch thu chịu. Riêng đối với hoá chất độc không xác định được nguồn gốc, chủ sở hữu hoặc bị tịch thu nhưng chủ sở hữu không có khả năng tài chính để xử lý thì chi phí xử lý được lấy từ ngân sách nhà nước.

Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xác định nguồn, phạm vi tác động của hoá chất độc tồn dư của chiến tranh; xây dựng kế hoạch xử lý trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương có liên quan thực hiện kế hoạch xử lý hoá chất độc tồn dư của chiến tranh.

Vi phạm: có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật Hoá chất qui định rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về hoạt động hoá chất thì tuỳ theo đối tượng, tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất; bao che cho người vi phạm pháp luật về hoạt động hoá chất hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố hoá chất thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Khi xảy ra tranh chấp trong hoạt động hoá chất, các bên sẽ giải quyết tranh chấp bằng các hình thức: Thương lượng giữa các bên; Hoà giải giữa các bên do một tổ chức hoặc cá nhân được các bên thoả thuận làm trung gian hoà giải; Giải quyết tại trọng tài thương mại hoặc Toà án.

Thực hiện tốt các qui định của Luật Hoá chất không chỉ đảm bảo an toàn cho con người, môi trường, hệ sinh thái mà còn góp phần thúc đấy ngành hoá chất trong nước phát triển nhanh chóng, theo kịp công cuộc CNH- HĐH của đất nước./.

Huy Long