Một số nội dung cơ bản của Luật Năng lượng nguyên tử

03/07/2008
Ngày 03/6 vừa qua, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT). Với 11 Chương và 93 Điều, Luật đã quy định những nội dung cơ bản nhất về các hoạt động trong lĩnh vực NLNT và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó. Dưới đây là những nội dung cơ bản của Luật này.

Theo Luật, NLNT là năng lượng được giải phóng trong quá trình biến đổi hạt nhân bao gồm năng lượng phân hạch, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng do phân rã chất phóng xạ; là năng lượng sóng điện từ có khả năng ion hoá vật chất và năng lượng các hạt được gia tốc. Hoạt động trong lĩnh vực NLNT là hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực NLNT; xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, khai thác, quản lý và tháo dỡ cơ sở hạt nhân, cơ sở bức xạ; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ; sản xuất, lưu giữ, sử dụng, vận chuyển, chuyển giao, xuất khẩu, nhập khẩu nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân; xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ và các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT.

  Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực NLNT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hoá, giáo dục, phúc lợi xã hội ở khu vực có nhà máy điện hạt nhân; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển điện hạt nhân.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động trong lĩnh vực NLNT là: Thực hiện vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn cho sức khoẻ, tính mạng con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, Luật quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động NLNT bao gồm: Lợi dụng, lạm dụng hoạt động trong lĩnh vực NLNT để xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ, đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây tổn hại cho sức khoẻ, tính mạng con người, môi trường; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, mua bán, vận chuyển, chuyển giao, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí bức xạ; tiến hành công việc bức xạ mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật; nhập khẩu chất thải phóng xạ; vận chuyển chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân bằng đường bưu điện; vận chuyển chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân bằng các phương tiện không được thiết kế bảo đảm an toàn, an ninh hoặc không có thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh; sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, đồ chơi, đồ trang sức, sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng khác có hoạt độ phóng xạ cao hơn mức quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. v.v.

Luật quy định, Cơ sở hạt nhân (bao gồm: Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; nhà máy điện hạt nhân; cơ sở làm giàu urani, chế tạo nhiên liệu hạt nhân; cơ sở lưu giữ, xử lý, chôn cất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng) muốn hoạt động phải có đơn đề nghị phê duyệt địa điểm trước khi xin cấp giấy phép xây dựng; phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.v.v.

Liên quan đến bồi thường thiệt hại về sự cố bức xạ và sự cố hạt nhân gây ra, theo Điều 87 của Luật, thiệt hại bức xạ và thiệt hại về sự cố hạt nhân là tổn thất đối với con người, tài sản, môi trường do sự cố bức xạ và sự cố hạt nhân gây ra, bao gồm cả chi phí cho khắc phục hậu quả. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu giao quyền lưu giữ, sử dụng vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải bồi thường thiệt hại do sự cố hạt nhân gây ra cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sự cố xảy ra do chiến tranh, khủng bố, thảm họa thiên tai vượt quá giới hạn an toàn của thiết kế theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

         Ngoài những nội dung cơ bản trên đây, Luật cũng quy định về các biện pháp đẩy mạnh, phát triên, ứng dụng NLNT; an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, vật liệu hạt nhân; cơ sở bức xạ; thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ; yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển vật liệu phóng xạ, v.v. 

Nguyễn Văn Dũng