Công điện của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2008

02/07/2008
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về điều hành kinh doanh xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác tại Thông báo số 147/TB-VPCP ngày 23/6/2008 của Văn phòng Chính phủ, để đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2008, ngày 30/6/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Công điện 03 BTC-QLG gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng Giám đốc, Giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Nội dung Công điện nêu rõ:

Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW:

          - Cụ thể hoá, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá trên địa bàn địa phương. Công bố và áp dụng các biện pháp bình ổn giá tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá. Tổ chức rà soát, kiểm tra đảm bảo cân đối cung-cầu hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn, không để xảy ra mất cân đối cung-cầu gây đột biến giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống.

            - Chỉ đạo Giám đốc Sở Tài chính phối hợp với các Sở, ngành chức năng: Tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát không để các chủ thể sản xuất, kinh doanh lợi dụng chủ trương điều hành giá của nhà nước, lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý, trái pháp luật, làm phương hại lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước... ; Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá và mức giá của những hàng hoá, dịch vụ do nhà nước đặt hàng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia; hàng hoá, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hoá, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá căn cứ vào Quy chế tính giá do Bộ Tài chính ban hành...;  Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm tra chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn đã công bố; thực hiện việc đăng ký giá, kê khai giá và công khai thông tin về giá theo quy định của pháp luật...; Triển khai việc giám sát, kiểm tra hoạt động tài chính của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ...; Yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước tại địa phương thực hiện đúng việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2008. Tăng cường kiểm soát chi từ ngân sách nhà nước, nhất là chi cho hội nghị, công tác, mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ bản, kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng quy định. Tiếp tục rà soát thực hiện cắt giảm đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ...;  Chỉ đạo các doanh nghiệp giữ ổn định giá nước sạch, cước vận chuyển xe buýt công cộng đến hết năm 2008...; Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành trong tỉnh triển khai tích cực các biện pháp an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ ... hỗ trợ kịp thời theo quy định cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo, thu nhập thấp.

Trong các báo cáo thường kỳ (15 ngày, tháng) hoặc đột xuất của Sở Tài chính tỉnh, thành phố gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) 6 tháng cuối năm 2008 cần bổ sung nội dung về tình hình thực hiện và kiến nghị các giải pháp trong công tác bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo những nội dung nêu trên tại địa phương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Yêu cầu Tổng Giám đốc, Giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, đồng thời phát huy vai trò bình ổn giá của doanh nghiệp: trước mắt giữ ổn định giá bán điện, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt công cộng. Đối với các mặt hàng khác thuộc danh mục Chính phủ đang chủ trương kiềm chế giá (gồm: than, xi măng, thép, giấy, phân bón, thuốc chữa bệnh, vận chuyển hành khách bằng máy bay, đường sắt, học phí, viện phí) cần tiếp tục rà soát lại và áp dụng mọi biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý, chi phí tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, phấn đấu giảm giá thành sản xuất, kiềm chế tăng giá đầu ra./.

                                                                                  Thuý Quỳnh