Một số nội dung cơ bản về Đề án Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 - 2010

27/06/2008
Thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010.

Ngày 14 tháng 5 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010.

Đề án bao gồm một số nội dung cơ bản như sau:

1. Mục tiêu đào tạo:

Trong thời gian từ 2008 đến 2010, đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư tại cơ sở nước ngoài nhằm có được một số chuyên gia pháp luật, luật sư am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có khả năng được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư của nước hoặc bang được đào tạo.

2. Quy mô đào tạo, đối tượng đào tạo:

2.1. Quy mô đào tạo: chuyên gia pháp luật: từ 30 đến 50 chỉ tiêu; luật sư: không hạn chế số lượng.

2.2. Đối tượng đào tạo: Đối tượng đào tạo được tuyển chọn trong số công chức đang công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; luật sư đang hành nghề tại các công ty luật, văn phòng luật sư, doanh nghiệp.

3. Nước và cơ sở gửi đi đào tạo, hình thức, thời gian và nội dung đào tạo:

3.1. Nước và cơ sở gửi đi đào tạo: Học viên được gửi đi đào tạo tại các nước Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Đức.

3.2. Hình thức đào tạo: Việc đào tạo được thực hiện dưới hình thức đào tạo tập trung theo hai giai đoạn: đào tạo nghề luật sư tại các cơ sở đào tạo (giai đoạn 1) và thực hành nghề nghiệp trong các công ty luật quốc tế (giai đoạn 2).

3.3. Thời gian đào tạo: Tổng thời gian đào tạo dự kiến từ 21 đến 27 tháng tuỳ thuộc vào thời gian đào tạo nghề luật sư và thời gian thực hành nghề nghiệp tại công ty luật ở nước ngoài.

3.4. Nội dung đào tạo: Nội dung đào tạo tập trung vào kiến thức pháp luật thương mại quốc tế, kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, đặc biệt chú trọng kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại, tư vấn pháp luật trong các giao dịch thương mại quốc tế.

4. Điều kiện tuyển chọn, Hội đồng tuyển chọn, cách thức tuyển chọn và gửi học viên đi đào tạo ở nước ngoài:

4.1. Điều kiện tuyển chọn: Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam; có lập trường chính trị vững vàng, có tư cách đạo đức tốt; dưới 40 tuổi; có bằng cử nhân luật từ loại khá trở lên; có chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp với nước gửi đi đào tạo  (Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL đạt 600 điểm hoặc IELTS đạt 6,5 điểm đối với các nước Anh, Mỹ, Úc; Chứng chỉ tiếng Pháp DELF B1 (hoặc DELF 1er degré Unité A3 + A4) hoặc TCF Niveau 3 trở lên đối với nước Pháp; Chứng chỉ tiếng Đức ZD cấp độ 3 hoặc tương đương do Viện Goethe cấp đối với nước Đức).

Đối với người có bằng tốt nghiệp đại học luật, thạc sỹ luật, tiến sỹ luật ở các nước Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Đức thì được miễn điều kiện về trình độ ngoại ngữ nêu trên.

Đối với công chức đang công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì phải có thời gian công tác liên quan trực tiếp đến pháp luật (tư vấn, tham mưu hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, giảng dạy luật, nghiên cứu pháp luật hoặc công tác xét xử, kiểm sát) từ 2 năm trở lên; đối với luật sư thì phải hành nghề luật sư từ 3 năm trở lên, có khả năng và triển vọng phát triển tốt trong nghề luật sư.

4.2. Hội đồng tuyển chọn: Việc tuyển chọn do Hội đồng tuyển chọn thực hiện. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra Quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn. Thành viên của Hội đồng tuyển chọn bao gồm đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, một số bộ, ngành có liên quan, chuyên gia pháp luật và luật sư. Giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn có Tổ thư ký do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định.

4.3. Cách thức tuyển chọn và gửi học viên đi đào tạo ở nước ngoài:

Việc tuyển chọn học viên được thực hiện theo hai vòng: xét hồ sơ dự tuyển (vòng 1) và phỏng vấn ứng viên (vòng 2). Những người trúng tuyển được Hội đồng tuyển chọn lập danh sách để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

Việc gửi học viên trúng tuyển đi nước ngoài được thực hiện theo từng đợt trong thời gian từ 2008 đến 2010. Số lượng học viên gửi đi từng đợt phụ thuộc vào số người trúng tuyển và được tiếp nhận theo từng đợt tuyển chọn.

5. Tiến độ và kinh phí thực hiện Đề án:

5.1. Tiến độ thực hiện Đề án: Việc đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư theo Đề án được thực hiện từ năm 2008 và kết thúc vào năm 2010.

5.2. Kinh phí thực hiện Đề án: Kinh phí đào tạo đối với công chức đang công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do ngân sách nhà nước cấp. Luật sư đang hành nghề tại các công ty luật, văn phòng luật sư tham gia chương trình đào tạo này tự trang trải kinh phí đào tạo; trong trường hợp có yêu cầu, Chính phủ có chính sách cho vay tín dụng ưu đãi. Trong trường hợp doanh nghiệp gửi luật sư đi đào tạo theo chương trình đào tạo này thì doanh nghiệp tự trang trải kinh phí đào tạo.

6. Sử dụng chuyên gia pháp luật, luật sư được đào tạo:

6.1. Đối với chuyên gia pháp luật: Công chức được đào tạo theo Đề án tiếp tục về công tác tại cơ quan cử đi học. 

6.2. Đối với luật sư: Luật sư được Chính phủ cho vay tín dụng ưu đãi để tham gia đào tạo theo chương trình đào tạo này có trách nhiệm thực hiện công việc do Chính phủ yêu cầu theo cam kết. Luật sư do các doanh nghiệp gửi đi đào tạo theo chương trình đào tạo này thì có thể được Chính phủ thuê trong trường hợp có nhu cầu. Việc thanh toán thù lao và chi phí thực tế cho các luật sư đã được đào tạo theo Đề án khi thực hiện vụ việc theo yêu cầu của Chính phủ được các bên thoả thuận theo từng trường hợp cụ thể.

6.3. Xử lý những trường hợp vi phạm cam kết: Công chức được đào tạo theo Đề án vi phạm cam kết thì bị xử lý theo quy định tại Đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” được phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 28/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với luật sư được Chính phủ cho vay tín dụng ưu đãi vi phạm cam kết thì bị xử lý vi phạm theo các hình thức đã cam kết trong văn bản cam kết với Bộ Tư pháp trước khi được gửi đi đào tạo.