Sửa đổi Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài

21/12/2022
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sửa đổi phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Theo quy định cũ tại Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT, quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài quy định về việc tuyển sinh đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng ngân sách Nhà nước, học bổng Hiệp định và học bổng khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, bao gồm: đối tượng, điều kiện, nguyên tắc và phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, xử lý kết quả tuyển sinh và được áp dụng đối với việc tuyển sinh trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập và bồi dưỡng ở nước ngoài.
Tại Thông tư số 18/2022/TT-BGDĐT, quy định này được sửa đổi thành: Quy chế này quy định về việc tuyển sinh đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng ngân sách nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, bao gồm: đối tượng, tiêu chuẩn dự tuyển, nguyên tắc, phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh và xử lý kết quả tuyển sinh và được áp dụng đối với việc tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập và bồi dưỡng về ngoại ngữ ở nước ngoài.”
Tiêu chuẩn và hồ sơ dự tuyển đi học nước ngoài
Thông tư số 18/2022/TT-BGDĐT quy định đối tượng dự tuyển đi học nước ngoài là công dân Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP, cụ thể: có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng và đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của chương trình học bổng; được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử đi học (đối với trường hợp có cơ quan công tác); đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định của Đảng (đối với trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức và là đảng viên),
Hồ sơ dự tuyển đi học nước ngoài gồm: công văn của cơ quan quản lý trực tiếp cử dự tuyển (đối với trường hợp có cơ quan công tác); cam kết thực hiện trách nhiệm của người được cử đi dự tuyển theo yêu cầu của cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường hợp có cơ quan công tác); sơ yếu lý lịch có dán ảnh và xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường hợp có cơ quan công tác) hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú (đối với trường hợp không có cơ quan công tác); bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng quy định của chương trình học bổng; giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác nhận đủ điều kiện đi học nước ngoài; các giấy tờ khác (nếu có) theo yêu cầu của chương trình học bổng và cơ quan cử đi học.
Trình tự thực hiện dự tuyển và tuyển chọn ứng viên theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP. Cụ thể, ứng viên dự tuyển nộp 01 bộ hồ sơ quy định qua đường bưu điện hoặc trực tiếp hoặc trực tuyến cho cơ quan cử đi học. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận hồ sơ dự tuyển, cơ quan cử đi học tổ chức thực hiện tuyển sinh và thông báo kết quả tuyển chọn cho ứng viên, cơ quan quản lý trực tiếp (đối với trường hợp có cơ quan công tác) qua việc thông báo rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thực hiện tuyển sinh. Sau đó, Hội đồng tuyển chọn tổ chức họp xét và thống nhất danh sách ứng viên đủ điều kiện trúng tuyển hoặc đạt yêu cầu sơ tuyển (đối với chương trình học bổng có sơ tuyển). Đơn vị chủ trì tuyển sinh hoàn thiện danh sách ứng viên đủ điều kiện trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, phê duyệt.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30 tháng 01 năm 2023.