Quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước

08/11/2022
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2022/NĐ-CP về quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

Đối tượng áp dụng theo Nghị định này là Bộ Ngoại giao và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại; Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài và đối tượng khác được phía Việt Nam bố trí, cho thuê nhà, đất phục vụ đối ngoại để sử dụng làm trụ sở, nhà ở tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nghị định quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại như sau:
Việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và các pháp luật khác có liên quan; trường hợp các Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế đã ký.
Việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Các khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định pháp luật có liên quan.
Giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại; việc miễn hoặc giảm giá cho thuê nhà thấp hơn giá thị trường do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định trên nguyên tắc “có đi có lại”, phù hợp với quan hệ đối ngoại của Nhà nước. Việc thuê đất, xác định tiền thuê đất và miễn, giảm tiền thuê đất (nếu có) của đơn vị sự nghiệp công lập được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định này.
Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước để phục vụ hoạt động đối ngoại thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại theo chức trách, nhiệm vụ được giao; quản lý nguồn thu, các khoản chi theo quy định của pháp luật.
Về quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức hỗ tương:
Căn cứ Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện: Thỏa thuận với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được sử dụng nhà để ký Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) sử dụng nhà quy định về trách nhiệm của các bên trong thời gian sử dụng; Tổ chức thực hiện việc bàn giao nhà, đất cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. Việc bàn giao được lập thành biên bản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của bên Việt Nam đối với việc sử dụng nhà, đất ghi tại Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài; Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, bảo vệ nhà, đất do tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trả lại khi hết thời hạn sử dụng hỗ tương. Lập phương án bố trí sử dụng, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài có quy định trách nhiệm của Bên Việt Nam phải thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa nhà trong thời gian sử dụng thì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa do đơn vị được giao trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại tự đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; trường hợp phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp thì chi phí cho việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp được sử dụng từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Việc bảo dưỡng, sửa chữa, đầu tư, cải tạo, nâng cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
Nhà nước không thu tiền thuê nhà, đất đối với diện tích nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức hỗ tương.
Về quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức giao sử dụng nhà, đất không phải trả tiền:
Căn cứ Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện: Thỏa thuận với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được sử dụng nhà để ký Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) sử dụng nhà quy định về trách nhiệm của các bên trong thời gian sử dụng; Tổ chức thực hiện việc bàn giao nhà, đất cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. Việc bàn giao được lập thành biên bản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của bên Việt Nam đối với việc sử dụng nhà, đất ghi tại Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, bảo vệ nhà, đất do tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trả lại khi hết thời hạn sử dụng không phải trả tiền. Lập phương án bố trí sử dụng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao có quy định trách nhiệm của bên Việt Nam phải thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa nhà trong thời gian sử dụng thì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa do đơn vị được giao trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại tự đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; trường hợp phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp thì chi phí cho việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp được sử dụng từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Việc bảo dưỡng, sửa chữa, đầu tư, cải tạo, nâng cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
Nhà nước không thu tiền thuê nhà, đất đối với diện tích nhà, đất sử dụng theo hình thức giao sử dụng nhà, đất không phải trả tiền.
Về quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại để cho thuê:
1- Quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại áp dụng đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê theo chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Cụ thể: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê nhà, đất theo chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể; Xem xét, quyết định giá cho thuê nhà đảm bảo theo giá thị trường, phù hợp với quan hệ đối ngoại, đảm bảo lợi ích của Nhà nước theo nguyên tắc “có đi có lại” đối với từng trường hợp cụ thể. Đơn vị được giao trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại được miễn tiền thuê đất đối với diện tích nhà, đất phục vụ đối ngoại cho các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê. Việc miễn tiền thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
2- Quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài còn lại (không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này) thuê theo nhiệm vụ nhà nước giao: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê nhà, đất theo nhiệm vụ nhà nước giao đối với từng trường hợp cụ thể; Xem xét, quyết định giá cho thuê nhà đảm bảo theo giá thị trường. Đơn vị được giao trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại phải nộp tiền thuê đất đối với diện tích nhà, đất phục vụ đối ngoại cho các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.
3- Đơn vị được giao trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện: Ký hợp đồng cho thuê nhà với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam; Thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa nhà theo Hợp đồng thuê nhà hoặc Thỏa thuận khác ký giữa bên cho thuê và bên thuê nhà theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp Hợp đồng thuê nhà hoặc Thỏa thuận khác quy định trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa nhà thuộc bên cho thuê nhà thì kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa thực hiện theo chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.
4- Cho các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê nhà: Việc cho các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê nhà chỉ áp dụng đối với trường hợp nhà, đất đang trong quá trình lập phương án bố trí sử dụng hoặc giới thiệu để tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê kéo dài quá 06 tháng mà chưa có đối tượng đăng ký thuê nhà. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho đối tượng không phải tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê; Việc cho thuê thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản sửa đổi (nếu có). Bộ Ngoại giao quy định cụ thể thời hạn cho thuê, điều kiện chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà trước thời hạn để đảm bảo thu hồi lại nhà đang cho thuê để phục vụ mục đích đối ngoại; hằng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cho đối tượng không phải tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê nhà.
Đối với các cơ sở nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ đối ngoại đang cho thuê theo Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) đã ký. Sau khi hết thời hạn thuê hoặc chấm dứt Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) trước thời hạn đã ký thì việc cho thuê nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2022. Bãi bỏ Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.