Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

08/11/2022
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (sau đây gọi là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp).
Theo Nghị định, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan, gồm: 1- Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em; 2- Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về các khoản chi thực hiện kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; 3- Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về chế độ hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với nhà giáo làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 4- Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Đối tượng áp dụng theo Nghị định bao gồm: 1- Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi là cá nhân, tổ chức) quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này; 2- Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật (bao gồm: Trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp); Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; Cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù hoặc thuộc các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư (sau đây gọi là cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên môn đặc thù); Trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp các ngành, nghề đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Doanh nghiệp tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp); Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Cơ sở thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Cơ sở đào tạo, nghiên cứu được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, hoạt động đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật thuộc các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp (trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm); Tổ chức khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, liên kết đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp); 3- Phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp; chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân, tổ chức; 4- Hộ kinh doanh, hộ gia đình có mở lớp đào tạo nghề; 5- Cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; cá nhân không phải là cán bộ, công chức, viên chức ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật thuộc các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp; 6- Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này.
Đối với hành vi vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Thông báo tuyển sinh không đúng hoặc không chính xác thông tin về ngành, nghề, trình độ đào tạo, quy mô tuyển sinh/năm, địa điểm đào tạo được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc trong quyết định tự chủ mở ngành, nghề đào tạo, quyết định tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài; Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp không đúng thời gian đào tạo trong chương trình đào tạo do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên môn đặc thù, doanh nghiệp quyết định ban hành; Thông báo tuyển sinh không đúng đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp và trình độ sơ cấp theo quy định.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh; Thu nhận hồ sơ tuyển sinh, tổ chức thi hoặc xét tuyển khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc khi chưa thực hiện báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về các điều kiện bảo đảm tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo theo quy định; Thực hiện tuyển sinh các ngành, nghề đào tạo nhưng không đáp ứng đủ điều kiện tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo theo quy định.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không công bố ngưỡng đầu vào đối với ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng có quy định ngưỡng đầu vào.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi hoặc xét tuyển người vào học các ngành, nghề đào tạo hoặc chương trình đào tạo của nước ngoài khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc không báo cáo cơ quan có thẩm quyền về điều kiện bảo đảm tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài.
Đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không ban hành quyết định phê duyệt mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định; Không báo cáo mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; Ban hành quyết định chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ không đúng trình tự, thủ tục, nội dung, thời hạn và thẩm quyền quy định; Không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống cháy nổ để bảo quản văn bằng, chứng chỉ; Không thực hiện cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ cho người học theo quy định; Không lập hoặc lập hồ sơ không đầy đủ, không chính xác thông tin quản lý việc in, sử dụng, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ; không lưu trữ hồ sơ cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định; Không quy định việc lập số hiệu, các ký hiệu nhận dạng phôi văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc bảo mật, nhận dạng và chống làm giả phôi văn bằng, chứng chỉ; In phôi văn bằng, chứng chỉ có nội dung không đúng mẫu quy định; Thực hiện việc hủy phôi văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Cấp phát văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ không đúng thời hạn; Thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ của người học không đúng quy định.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng mẫu quy định; Cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng thẩm quyền theo quy định.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở mình cấp trên trang thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
Phạt tiền đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng tên ngành, nghề đào tạo hoặc ngành, nghề đào tạo không được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; ngành, nghề đào tạo không có tên trong quyết định tự chủ mở ngành, nghề đào tạo, quyết định tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm dưới 10 người học; Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 10 đến dưới 20 người học; Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 20 đến dưới 30 người học; Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 30 đến dưới 40 người học; Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 40 người học trở lên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 12 năm 2022. Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng quy định của Nghị định này để xử lý nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để giải quyết.