Hướng dẫn trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng

30/06/2022
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng.
Thông tư này quy định về:
Trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Việc giám sát hệ thống thanh toán, giám sát an toàn hệ thống thông tin của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.
Việc giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Việc giám sát tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc giám sát ngân hàng đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện theo các quy định của pháp luật về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng và quy định tại Thông tư này.
Quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng
Trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng thực hiện như sau:
Bước 1: Thu thập, tổng hợp, xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu;
Bước 2: Thực hiện các nội dung giám sát tuân thủ và/hoặc giám sát rủi ro;
Bước 3: Lập báo cáo giám sát, đề xuất các biện pháp xử lý.
Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ về việc thực hiện kết luận thanh tra và quy định tại Thông tư này.
Quy định về quản lý, lưu trữ tài liệu, thông tin, dữ liệu
Tài liệu, thông tin, dữ liệu sau khi được tổng hợp, xử lý phải được lưu trữ, quản lý để phục vụ cho công tác thanh tra, giám sát ngân hàng theo các nguyên tắc sau:
Tài liệu, thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ một cách khoa học, đầy đủ theo từng hồ sơ của từng đối tượng giám sát ngân hàng và toàn hệ thống.
Tài liệu, thông tin, dữ liệu thu thập phải được lưu trữ theo quy định pháp luật hiện hành về lưu trữ.
Việc quản lý, lưu trữ, sử dụng tài liệu, thông tin, dữ liệu có thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Việc bảo mật thông tin, dữ liệu của tổ chức tín dụng và thông tin khách hàng thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng
Thông tư quy định các biện pháp xử  lý trong giám sát ngân hàng như sau:
Căn cứ vào kết quả giám sát ngân hàng, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng thực hiện cảnh báo, khuyến nghị đối với đối tượng giám sát ngân hàng; tùy theo mức độ an toàn, lành mạnh và vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (nếu có); trình Thống đốc Ngân hàng nhà nước hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh theo thẩm quyền:
a) Áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại Điều 25 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ (đã sửa đổi, bổ sung) quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng;
b) Áp dụng hình thức giám sát tăng cường đối với đối tượng giám sát ngân hàng;
c) Kiến nghị tiến hành thanh tra, kiểm tra đối tượng giám sát ngân hàng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, dấu hiệu rủi ro, không an toàn trong hoạt động;
d) Sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ, ngân hàng (nếu có).
Trường hợp cần thiết, để đánh giá đầy đủ thực trạng hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng trình Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng (không bao gồm chi nhánh của tổ chức tín dụng) thuê tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán một, một số hoặc tất cả các nội dung hoạt động theo quy định pháp luật.
Khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng
Việc khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng căn cứ vào một hoặc kết hợp một số nội dung sau đây:
a) Khi kết quả giám sát thể hiện dưới hình thức chỉ tiêu định lượng của đối tượng giám sát ngân hàng vượt ngưỡng cảnh báo;
b) Trên cơ sở áp dụng phương pháp chuyên gia khi đánh giá, phân tích các thông tin định tính phản ánh các rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng từ kết quả giám sát kết hợp với kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán độc lập, kết luận kiểm toán nội bộ, thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước khác;
c) Khi có yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Khi nhận được các khuyến nghị, cảnh báo, đối tượng giám sát ngân hàng phải có trách nhiệm kịp thời báo cáo, giải trình các khuyến nghị, cảnh báo theo yêu cầu của đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng bao gồm tối thiểu các nội dung như thực trạng, nguyên nhân và kế hoạch khắc phục. Thời hạn nộp báo cáo, giải trình của đối tượng giám sát ngân hàng được nêu cụ thể trong văn bản khuyến nghị, cảnh báo gửi đối tượng giám sát ngân hàng. Đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện khuyến nghị, cảnh báo của đối tượng giám sát ngân hàng.
Trường hợp đối tượng giám sát ngân hàng tiếp tục tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng sau khi thực hiện kế hoạch khắc phục, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng quy định tại Điều 21 Thông tư này.