Hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

28/06/2022
Bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (sau đây gọi chung là Quỹ), áp dụng đối với các doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp:
Thông tư quy định quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp như sau: Có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Khoa học và Công nghệ; Thông báo việc thành lập Quỹ cho cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế trong vòng 30 ngày kể từ ngày thành lập Quỹ; Xây dựng, phê duyệt và gửi Quy chế đề xuất, xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (sau đây gọi chung là Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp), Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp cùng thời điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 95/2014/NĐ-CP); Báo cáo trích lập, điều chuyển và sử dụng Quỹ gửi về các cơ quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 11 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP; Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng Quỹ theo quy định pháp luật.
Chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ:
Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh: Quỹ bố trí vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh do doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp thực hiện trên cơ sở hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được ký kết và thuyết minh nhiệm vụ đã được phê duyệt theo quy định pháp luật về khoa học và công nghệ.
Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Căn cứ Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức tuyển chọn, giao trực tiếp hoặc phương thức khác theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Khoa học và Công nghệ; Quy định về dự toán chi cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, phương thức khoán chi (khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần) đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định tại Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ. Doanh nghiệp có thể áp dụng quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung có liên quan; Kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được chi cho các nội dung theo dự toán chi đã được phê duyệt và theo quy định tại Quy chế khoa học và công nghệ và Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ của doanh nghiệp; Việc thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khỏe con người trước khi ứng dụng vào sản xuất và đời sống được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BKHCN ngày 06 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc đánh giá và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước.
Chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong trường hợp nhiệm vụ bị dừng thực hiện vì nguyên nhân khách quan được xác định theo Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Chi hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp:
Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Xây dựng các tổ chức nghiên cứu phát triển, trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm; hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp và thống kê về hoạt động khoa học và công nghệ; chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ; chi khác phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; các hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP. Việc trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư; pháp luật về xây dựng; pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.
Mua quyền sử dụng, quyền sở hữu: Bí quyết công nghệ; kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; giống cây trồng; kiểu dáng công nghiệp; sáng kiến; các tài liệu, kết quả nghiên cứu, sản phẩm có liên quan trong nước và nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP. Việc mua quyền sử dụng, quyền sở hữu các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 76/2018/NĐ-CP) chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 28, Điều 29 và Điều 30 Luật Chuyển giao công nghệ. Việc xác định giá và phương thức thanh toán khi mua quyền sử dụng, quyền sở hữu liên quan đến chuyển giao công nghệ được thực hiện theo quy định của Điều 4 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP. Các chi phí phát sinh liên quan trực tiếp trong quá trình mua quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng quy định trên được tính vào giá trị quyền sử dụng, quyền sở hữu của các đối tượng đó.
Mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp. Mua nguyên vật liệu thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc mua máy móc, thiết bị thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư; pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.
Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 10 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP….
Chi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ: Chi thực hiện dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP; Chi đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động giải mã công nghệ và thuê tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài để tư vấn, quản lý hoạt động đầu tư của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo hợp đồng giữa các bên theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP và khoản 3 Điều 16 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Chi mua sắm, nhập khẩu vật mẫu (sản phẩm, công nghệ, thiết kế, thiết bị, hệ thống cần được giải mã) phục vụ hoạt động giải mã công nghệ; thuê chuyên gia thực hiện hoạt động tư vấn, tìm kiếm, hỗ trợ kỹ thuật, lao động kỹ thuật phục vụ hoạt động giải mã công nghệ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP; Hỗ trợ tổ chức khoa học và công nghệ của doanh nghiệp có hoạt động liên kết với tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương để hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp đặc thù của địa phương theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP; Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2022 và áp dụng cho việc sử dụng Quỹ khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022. Các Điều 2, Điều 3, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 15 và Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Nội dung hướng dẫn về thuế, quản lý tài chính và quản lý tài sản hình thành từ Quỹ thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới thì áp dụng theo các văn bản mới.