Điều kiện đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài

10/12/2021
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nghị định áp dụng đối với:
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký với đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động hợp pháp sau khi xuất cảnh.
Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ).
Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là đơn vị sự nghiệp).
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều kiện đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản
Nghị định quy định rõ điều kiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Theo đó, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đáp ứng các điều kiện:
Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện nội dung hoạt động và đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước có năng lực tiếng Trung trình độ tối thiểu HSK5, tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT) hoặc tương đương; có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động quản lý người lao động có năng lực tiếng Trung trình độ tối thiểu HSK5, tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT), hoặc tương đương và ít nhất 1 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản; có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.
Đối với thị trường lao động Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp dịch vụ phải không bị xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời hạn 2 năm tính đến ngày đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc). Còn đối với thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp dịch vụ phải đáp ứng các tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản.

Hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản
Hồ sơ gồm:
Văn bản đề nghị theo Mẫu số 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
01 bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ; 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc) của nhân viên nghiệp vụ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này.
Thủ tục gồm:
Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn);
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận và có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều kiện để Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài
Điều 20 của Nghị định quy định cụ thể về điều kiện Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài. Cụ thể, Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đáp ứng các điều kiện:
Đang thực hiện hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.
Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện nội dung hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn sau: Có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động và ít nhất 1 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận; có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thường trực ở nước ngoài để thực hiện hoạt động quản lý người lao động, có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động và ít nhất 1 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận; có ít nhất 1 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng có ít nhất 1 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.
Phải bảo đảm người lao động đã có kinh nghiệm làm giúp việc gia đình ở nước ngoài, hoặc có kiến thức làm giúp việc gia đình và trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Hồ sơ, thủ tục đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài
Hồ sơ bao gồm:
Văn bản đề nghị theo Mẫu số 10 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
01 bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ; 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc) của nhân viên nghiệp vụ quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này.
Thủ tục gồm:
Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn);
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận để doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.