Một số Chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2021

01/12/2021
Quy định về cá nhân vận động quyên góp từ thiện 
Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hiệu lực kể từ ngày 11/12/2021, theo đó người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện.
Nghị định quy định các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
Khi vận động, phải thông báo với ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tịn truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối và cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu. Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận, không được phép nhận thêm tiền ủng hộ. 
Giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô tự sản xuất, lắp ráp trong nước
Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/20212 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2022, trong đó quy định giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bỏ nội dung đào tạo tin học, ngoại ngữ đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Nghị định 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2021.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Nghị định này là chính thức không còn quy định công chức phải đi học bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học như trước đây, mà chỉ còn phải học bồi dưỡng lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Thời hạn cuối nộp hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất là ngày 20/12/2021
Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 có quy định:
Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi người lao động có nhu cầu nhận hỗ trợ theo Mẫu số 04. Thời hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 20 tháng 12 năm 2021.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ của người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động, thời gian hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2021. Khuyến khích chi trả thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động. Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan bảo hiểm xã hội thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Cũng theo Quyết định này, ngày 31/12/2021 là hạn cuối để cơ quan bảo hiểm chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.
Người lao động cũng cần lưu ý, ngày 31/12/2021 là thời điểm cuối để xét hưởng các chính sách hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc và chấm dứt hợp đồng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
Nghị quyết 68 chỉ hỗ trợ cho những người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc và chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01/5/2021 - 31/12/2021.
Ngày 31/12/2021 là hạn cuối giảm 50% lệ phí cho người dân đi làm Căn cước công dân 
Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/06/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có hiệu lực trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định giảm 50% lệ phí, cụ thể Lệ phí cấp Căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực giảm tới 90% mức thu phí như: Xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo; Phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Quyết định số 31/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia có hiệu lực từ ngày 09/12/2021, thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm: Thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, quyết định công bố thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan; thông tin hướng dẫn, hỏi đáp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan; thông tin, thông báo về tiếp nhận, trả kết quả, hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; thông tin tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng gồm thông tin về đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khảo sát sự hài lòng của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; thông tin báo cáo, số liệu, thống kê liên quan đến tình hình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công khác; thông tin địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; thông tin chủ quản, quản lý, duy trì hoạt động Cổng Dịch vụ công; thông tin đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ...
Cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô
Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ban hành ngày 21/10/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô có hiệu lực từ ngày 05/12/2021. Theo Nghị địnhh, công tác phối hợp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm sau: Quy hoạch xây dựng; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý đất đai; quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải; bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch.
 Quy định về công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, nghiên cứu khoa học
Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật có hiệu lực từ ngày 1/12/2021. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách Nhà nước; quyền và trách nhiệm của công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.