Thủ tục buộc truy nộp tiền vào Quỹ Bảo hiểm xã hội

25/02/2008
Theo Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/2/2008 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh thì thủ tục buộc truy nộp tiền vào Quỹ BHXH được thực hiện như sau:

1. Đề xuất áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp.

Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi tình hình thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về đóng BHXH trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt VPHC mà người sử dụng lao động không tự nguyện truy nộp hoặc đã truy nộp nhưng chưa đủ số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và lãi phát sinh của số tiền chưa đóng, chậm đóng đó vào Quỹ BHXH thì Thanh tra Sở LĐTBXH có trách nhiệm đề xuất với người có thẩm quyền có liên quan áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào Quỹ BHXH.

2. Ra quyết định áp dụng.

Trong thời gian tối đa không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất bằng văn bản của Thanh tra Sở LĐTBXH, người có thẩm quyền có trách nhiệm xác minh và ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào Quỹ BHXH.

Người ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào Quỹ BHXH có quyền yêu cầu ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản cung cấp các thông tin về tài khoản, số dư trên tài khoản của người sử dụng lao động và phải có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản của người sử dụng lao động khi được cung cấp.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định về ngân hàng nơi mở tài khoản, số tài khoản của mình tại ngân hàng khi có yêu cầu.

Quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào Quỹ BHXH phải nêu rõ ngày tháng năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; tên và những thông tin cơ bản về người sử dụng lao động; lý do buộc trích tiền từ tài khoản; số tiền cần phải trích; họ tên chủ tài khoản và số tài khoản của người sử dụng lao động; tên, địa chỉ của ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản; số tài khoản của Quỹ BHXH; tên, địa chỉ tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi Quỹ BHXH mở tài khoản; phương thức chuyển tiền; trách nhiệm thực hiện.

Thời hạn thi hành tối đa không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định và phải được người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào Quỹ BHXH ký tên và đóng dấu.

Quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào Quỹ BHXH có giá trị sử dụng thay cho lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản để trích tiền từ tài khoản của người sử dụng lao động nộp vào Quỹ BHXH và được gửi cho ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản, người sử dụng lao động, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi quỹ bảo hiểm xã hội mở tài khoản và Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 5 ngày trước khi tiến hành trích tiền từ tài khoản.

3. Thực hiện quyết định.

Sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định buộc trích tiền, nếu chủ tài khoản không tự nguyện đến trích tiền chuyển trả Quỹ BHXH thì ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản có trách nhiệm chuyển tiền từ tài khoản của người sử dụng lao động vào tài khoản của Quỹ BHXH theo yêu cầu tại quyết định trước khi thực hiện các lệnh chuyển tiền khác của chủ tài khoản. Mọi chi phí liên quan đến việc chuyển tiền do chủ tài khoản của người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Trong trường hợp tài khoản của người sử dụng lao động có số dư đủ khả năng thanh toán toàn bộ số tiền theo yêu cầu tại quyết định nhưng ngân hàng cố tình trì hoãn thực hiện hoặc không thực hiện việc trích tiền thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Trường hợp tài khoản của người sử dụng lao động không còn số dư hoặc còn số dư nhưng không đủ để thi hành quyết định thì ngân hàng sau khi chuyển số tiền hiện có vào tài khoản của Quỹ BHXH phải thông báo bằng văn bản cho người ra quyết định biết để xem xét áp dụng các biện pháp khác đảm bảo truy thu đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh vào quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

4. Thông báo kết quả thực hiện quyết định.

Ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản có trách nhiệm thông báo kịp thời cho người ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào Quỹ BHXH về kết quả chuyển tiền theo yêu cầu tại quyết định, đồng thời thông báo cho người sử dụng lao động biết.

Ngân hàng nơi Quỹ BHXH mở tài khoản có trách nhiệm kịp thời thông báo kết quả nhận tiền cho Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kịp thời báo cáo kết quả thực hiện cho người ra quyết định.

Chí Linh