Phê duyệt Đề án sắp xếp các bản tin, đặc san thuộc Bộ Tư pháp

15/02/2008
Ngày 13/02/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-BTP phê duyệt Đề án sắp xếp các bản tin, đặc san thuộc Bộ Tư pháp. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thực hiện chủ trương của Bộ Tư pháp về kiện toàn công tác báo chí, xuất bản đề ra trong Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Thông báo kết luận số 41-TB/TW ngày 11-10-2006 của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, trên cơ sở thực trạng hoạt động của các bản tin, đặc san hiện nay, căn cứ vào yêu cầu sắp xếp lại các bản tin, đặc san theo hướng hoạt động chuyên nghiệp hơn, bảo đảm hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo Quyết định trên, các bản tin, đặc san thuộc Bộ Tư pháp được sắp xếp lại như sau:

- Thông tin khoa học pháp lý của Viện Khoa học pháp lý tiếp tục hoạt động bằng kinh phí do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp cho hoạt động thông tin khoa học. 

- Đặc san Tuyên truyền pháp luật của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ ngừng xuất bản dưới dạng báo in, chuyển nội dung sang đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (Trang Phổ biến, giáo dục pháp luật). 

- Các ấn phẩm ngừng hoạt động bao gồm: Tin Phổ biến, giáo dục pháp luật, Tin Tư pháp, Đặc san Trợ giúp pháp lý, Tin Thi hành án dân sự. 

Sau khi Quyết định này có hiệu lực, các thông tin về hoạt động của ngành Tư pháp nói chung, công tác thi hành án dân sự và trợ giúp pháp lý nói riêng sẽ được tăng tải thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, trên chuyên mục hoặc chuyên trang của Báo Pháp luật Việt Nam. Các chuyên đề thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự, trợ giúp pháp lý… cũng như các lĩnh vực công tác khác của ngành Tư pháp sẽ được Tạp chí Dân chủ và Pháp luật thực hiện qua các số chuyên đề ra hàng tháng; hoặc các chuyên đề có tính chất chuyên sâu. 

Đề án cũng phân công cụ thể nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ trong tổ chức thực hiện. Cụ thể, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tiếp tục ra số chính hàng tháng với 64 trang và các số chuyên đề hàng tháng với 32 trang. Bên cạnh số định kỳ nói trên, hàng năm Tạp chí sẽ xuất bản thêm các số chuyên đề 32 trang (tiến tới sẽ tăng số trang nhiều hơn so với hiện nay) về thi hành án dân sự và trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, có thể xuất bản các số chuyên đề sâu có tính chất tổng kết lý luận và thực tiễn hoạt động tư pháp, pháp luật trong từng thời kỳ. Báo Pháp luật Việt Nam mở chuyên trang hoặc chuyên mục về hoạt động của thi hành án dân sự và trợ giúp pháp lý. Trung tâm tin học có trách nhiệm đưa tin nhanh, cập nhật những vấn đề liên quan đến hoạt động tư pháp nói chung, thi hành án dân sự và trợ giúp pháp lý nói riêng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam và các đơn vị liên quan sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Thi hành án dân sự, Văn phòng Bộ, Trung tâm tin học; tăng cường biên chế, bổ sung cán bộ có nghiệp vụ báo chí, chuyên viên về pháp luật và tăng cường các điều kiện vật chất cần thiết cho các đơn vị có liên quan để thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của đơn vị cho Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Đề án, báo cáo Lãnh đạo Bộ về kết quả sắp xếp các bản tin, đặc san, đồng thời trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quy chế quản lý báo chí, xuất bản của Bộ Tư pháp.  

Lan Anh - Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật