Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với 4 Vùng trong cả nước

13/02/2008
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 đối với những tỉnh, thành phố thuộc 4 Vùng: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên; Đồng bằng sông Cửu Long vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành nhằm mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của các Vùng từ 10 - 13%.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ: Ưu tiên phát triển hạ tầng - kinh tế xã hội

Mục tiêu đề ra cho Vùng gồm 14 tỉnh và một số huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 12%, nâng cao khả năng cung cấp các dịch vụ xã hội cho phát triển kinh tế. Đến năm 2010, toàn Vùng không còn hộ đói kinh niên, đói giáp hạt, đạt phổ cập trung học cơ sở.

Các nhiệm vụ cụ thể của 9 nhóm ngành, lĩnh vực chủ yếu đòi hỏi Vùng phải nhanh chóng triển khai thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp dọc tuyến hành lang Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội và tuyến Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu để khai thác tốt tiềm năng của hệ thống đường nan quạt của Vùng.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ Vùng gồm nâng mức hỗ trợ vốn ngân sách trung ương tối đa không qúa 70 tỷ đồng cho việc đầu tư khu công nghiệp đối với các địa phương đáp ứng tiêu chí đề ra. Một số cơ chế, chính sách mới được áp dụng cho Vùng như hỗ trợ 100% tiền mua giống mới phục vụ trồng mới, trồng thay thế cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng đối với các hộ vay vốn để trồng mới, thâm canh cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Giải quyết việc làm cho 2,5 – 3 triệu lao động

Mục tiêu chủ yếu của Vùng gồm các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là đạt tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm từ 10 – 11%, giải quyết việc làm cho 2,5 – 3 triệu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 12%.

Trong số các nhiệm vụ trọng tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực chủ yếu, Vùng cần tập trung đầu tư một số dự án trọng điểm giai đoạn 2006 – 2010 như xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng công suất 1.200 MW, khai thác sắt Thạch Khê, nhà máy luyện cán thép Vũng Áng, Dung Quất… Bệnh viện vùng quy mô 600 – 700 giường sẽ được xây dựng tại Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung 3 chính sách hỗ trợ phát triển Vùng và thực hiện nhiều giải pháp huy động, sử dụng vốn đầu tư.

Vùng Tây Nguyên: Ít nhất 50% sản lượng cà phê được chế biến thành sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu để xuất khẩu

Ngoài các mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 12 – 13% năm, tổng diện tích rừng đạt 3,54 triệu ha, Vùng phấn đấu đến năm 2010, ít nhất 50% sản lượng cà phê tại địa bàn được chế biến thành sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, có thương hiệu để xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp chế biến có điều kiện tập trung quy mô lớn như cao su, điều, bông, chè sẽ được ưu tiên phát triển nhằm xây dựng ngành công nghiệp chế biến trở thành công nghiệp mũi nhọn của Vùng.

Vùng sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tập trung thâm canh, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Về các chính sách, cơ chế hỗ trợ, vấn đề nguồn nhân lực cho Vùng sẽ được quan tâm đặc biệt. Giáo viên, thầy thuốc đến làm việc lâu dài tại các thôn, bản ở các xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ giải quyết nhà ở. Những người xây dựng gia đình hoặc đưa gia đình đến cùng sinh sống tại chỗ bằng nghề nông được cấp đất sản xuất, đất ở, hỗ trợ nhà ở.

Các doanh nghiệp tự tuyển dụng lao động và tự đào tạo lao động vào làm việc ổn định tại doanh nghiệp thì được Nhà nước trợ cấp một khoản kinh phí bằng mức trợ cấp kinh phí đào tạo nghề.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Trồng đại trà các giống lúa có chất lượng cao dành cho xuất khẩu

Đối với vùng sông nước này, một trong những mục tiêu được nhấn mạnh đến năm 2010 là kiên cố hóa 100% trường, lớp, trên 70% trường, lớp đạt chuẩn quốc gia. Học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt trên 95%.

Về nhiệm vụ trọng tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực chủ yếu, Vùng gồm 13 tỉnh, thành phố, sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa có sản lượng lớn cho xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2010, tổng sản lượng thủy, hải sản toàn vùng đạt trên 2,2 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ môi trường cũng cần được chú trọng với nhiệm vụ, đến năm 2010, đưa 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm.

5 cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với Vùng sẽ được tiếp tục thực hiện, bổ sung trong đó có cơ chế, chính sách nông nghiệp, phát triển nông thôn, chính sách đất đai cho nông dân không có đất, thiếu đất sản xuất.

(Theo website Chính phủ)