Quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước

20/10/2021
Ngày 14/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đã Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2021 và thay thế Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Thông tư gồm 5 chương 18 điều, quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với tổ chức, cá nhân có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc một trong các trường hợp phải có giấy phép sau đây:
Công trình hồ chứa khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy trên 50 kW, bao gồm cả hồ chứa thủy lợi kết hợp với phát điện.
Công trình hồ chứa khai thác nước mặt có quy mô trên 0,1 m3/giây đối với trường hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; trên 100 m3/ngày đêm đối với trường hợp cấp nước cho các mục đích khác.
Công trình cống, trạm bơm và các công trình khai thác nước mặt khác với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có quy mô trên 0,1 m3/giây đối với trường hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; trên 100 m3/ngày đêm đối với trường hợp cấp nước cho các mục đích khác.
Công trình khai thác nước dưới đất với quy mô trên 10 m3/ngày đêm.
Việc giám sát phải đảm bảo các nguyên tắc về:
Tính chính xác, trung thực, khách quan và thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Tính hệ thống, kịp thời, đầy đủ và liên tục nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Ttính thống nhất, đồng bộ thông tin, dữ liệu về mặt không gian và thời gian, giữa trung ương, địa phương và trên từng lưu vực sông.
Tính thống nhất giữa yêu cầu về giám sát với hoạt động quan trắc của cơ sở được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Các thông số giám sát được quan trắc, đo đạc trực tiếp hoặc tính toán gián tiếp qua các thông số đo đạc khác nhưng phải bảo đảm tính chính xác và trung thực
Các yêu cầu về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Yêu cầu đối với hệ thống hạ tầng mạng, máy chủ và phần mềm giám sát
Hệ thống hạ tầng mạng, máy chủ và các thiết bị phụ trợ khác dùng để cài đặt, triển khai phần mềm giám sát phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Hạ tầng mạng phải bảo đảm an toàn, bảo mật và hoạt động ổn định; đáp ứng yêu cầu kết nối, truyền dữ liệu, cập nhật số liệu từ các thiết bị đo đạc, quan trắc của các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu giám sát; đáp ứng yêu cầu tác nghiệp của cán bộ quản lý và các yêu cầu kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống giám sát ở trung ương và hệ thống giám sát ở địa phương;
b) Hệ thống máy chủ phải bảo đảm khả năng xử lý và lưu trữ dữ liệu theo thiết kế của phần mềm giám sát; bảo đảm số lượng máy chủ để triển khai theo cơ chế dự phòng, sẵn sàng phục vụ.
Phần mềm giám sát được thiết kế chạy trên nền Web, có giao diện tương thích với thiết bị truy cập (máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh); đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các hệ thống khác qua dịch vụ dữ liệu (webservice); đảm bảo quy định của Chính phủ về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và đáp ứng các yêu cầu cụ thể quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.
Yêu cầu đối với cơ sở dữ liệu giám sát
Cơ sở dữ liệu giám sát được tổ chức, sắp xếp hợp lý để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thường xuyên.
Cơ sở dữ liệu giám sát bao gồm:
a) Thông tin giấy phép tài nguyên nước dùng chung của trung ương và địa phương quy định tại Phụ lục II của Thông tư này;
b) Đối với cơ sở dữ liệu của các công trình khai thác, sử dụng nước mặt: tập hợp thông tin, dữ liệu về lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu, lưu lượng xả qua nhà máy, lưu lượng xả qua tràn, mực nước hồ chứa đối với hoạt động khai thác tài nguyên nước mặt để phát điện; lưu lượng khai thác, lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu, mực nước hồ, lưu lượng xả qua tràn, chất lượng nước trong quá trình khai thác (nếu có) của công trình khai thác đối với hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt cấp cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác;
c) Đối với cơ sở dữ liệu của các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất: mực nước trong các giếng quan trắc, mực nước trong giếng khai thác, lưu lượng khai thác, chất lượng nước trong quá trình khai thác (nếu có);
d) Dữ liệu về camera (nếu có).
Yêu cầu đối với thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu của cơ sở có công trình
Thiết bị đo đạc tại công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đảm bảo các yêu cầu chủ yếu sau đây:
a) Có dải đo phù hợp với giá trị cần đo;
b) Hoạt động liên tục, kết nối, truyền thông tin, số liệu tới thiết bị thu nhận, lưu trữ của cơ sở dữ liệu giám sát;
c) Đối với các thiết bị đo đạc tự động mực nước, lưu lượng thì thời gian đo đảm bảo không quá 15 phút 01 lần; đối với camera giám sát, tốc độ ghi hình không nhỏ hơn 01 khung hình/phút;
d) Các loại thiết bị đo đạc trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật hiện hành về chất lượng, sản phẩm hàng hóa và phải được kiểm soát về đo lường (kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) theo quy định của pháp luật hiện hành về đo lường.
Sai số phép đo khi đo đạc phải đảm bảo sai số tuyệt đối không vượt quá 01 cm đối với thông số mực nước; sai số tương đối không vượt quá 5% so với giá trị thực đo đối với thông số lưu lượng.
Các thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu phải có chuẩn dữ liệu kết nối phù hợp được quy định cụ thể tại Phụ lục III của Thông tư này.