Thực hiện giám sát Quỹ đầu tư phát triển địa phương

07/10/2021
Ngày 06/10/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 86/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (sau đây gọi tắt là Nghị định số 147/2020/NĐ-CP) về cơ chế quản lý tài chính, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động, đánh giá xếp loại người quản lý và chế độ báo cáo, công bố thông tin của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; việc thực hiện chức năng Quỹ đầu tư phát triển địa phương của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm: Quỹ đầu tư phát triển địa phương do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập (sau đây gọi tắt là Quỹ); Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là HFIC); Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Đối với xây dựng các quy chế quản lý vốn, tài sản và hoạt động: Quỹ đầu tư phát triển địa phương có trách nhiệm xây dựng và trình Hội đồng quản lý Quỹ ban hành Quy chế quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, mua sắm và quản lý tài sản cố định; Quy chế huy động vốn; Quy chế cho vay; Quy chế quản lý các khoản đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; Quy chế quản lý các khoản đầu tư theo hình thức hợp đồng, thực hiện dự án đầu tư; Quy chế quản lý hoạt động ủy thác và nhận ủy thác và các quy chế khác theo yêu cầu quản lý của Hội đồng quản lý Quỹ.
Đồng thời, Quy chế quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, mua sắm và quản lý tài sản cố định của Quỹ đảm bảo các nguyên tắc sau: Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định áp dụng quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, trích khấu hao, cho thuê, thế chấp, cầm cố, thanh lý, nhượng bán, kiểm kê tài sản cố định của Quỹ áp dụng theo quy định của pháp luật, về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Còn đối với một số nội dung quản lý doanh thu, chi phí, chênh lệch thu chi của quỹ đầu tư phát triển địa phương, Thông tư quy định rõ về: Doanh thu và thu nhập khác; Nguyên tắc ghi nhận doanh thu; Các loại chi phí; Nguyên tắc ghi nhận và quản lý chi phí; Quyết toán các khoản doanh thu, chi phí; Phân phối chênh lệch thu chi; Quản lý và sử dụng các quỹ.
Cách thức giám sát hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được quy định như sau: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trên địa bàn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát tài chính của Quỹ.
Căn cứ thực hiện giám sát tài chính, nội dung giám sát tài chính, phương thức giám sát, triển khai thực hiện giám sát, giám sát tài chính đối với công ty con, công ty liên kết của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và các quy định khác có liên quan đến hoạt động giám sát tài chính của Quỹ thực hiện theo quy định áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Nghị định số 147/2020/NĐ-CP và Thông tư này.
Ngoài các dấu hiệu mất an toàn tài chính thực hiện theo quy định áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Quỹ được xác định mất an toàn tài chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cao hơn 50%; Tỷ lệ các khoản nợ phải thu khó đòi trên tổng số vốn đầu tư cao hơn 80%.
Quỹ đầu tư phát triển địa phương đánh giá, xếp loại hiệu quả hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP theo nguyên tắc so sánh giữa kết quả thực hiện và các chỉ tiêu kế hoạch được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao tại kế hoạch tài chính của Quỹ. Các chỉ tiêu này được Ủy ban nhân dân giao cho Quỹ bằng văn bản trước ngày 30 tháng 4 của năm kế hoạch và không được điều chỉnh trong suốt kỳ thực hiện kế hoạch (trừ các trường hợp bất khả kháng lớn). Trong đó: Đối với chỉ tiêu chênh lệch thu chi và tỷ suất chênh lệch thu chi trên vốn chủ sở hữu (chỉ tiêu 2): chênh lệch thu chi được sử dụng đế xác định chỉ tiêu là chênh lệch thu chi sau khi trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có); vốn chủ sở hữu được sử dụng để xác định chỉ tiêu là vốn chủ sở hữu bình quân trong năm. Đối với chỉ tiêu chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, quy định về chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính (chỉ tiêu 4): việc chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật là việc chấp hành đúng quy định, không có những hành vi thực hiện sai, bỏ sót, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời hoặc không thực hiện. Những hành vi vi phạm bao gồm hành vi của Quỹ, cá nhân dưới danh nghĩa của Quỹ hoặc của người quản lý Quỹ gây ra.