03 trường hợp không áp dụng Thông tư số 04/2021/TT-BTTTT

16/08/2021
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện.
Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện.
Thông tư này không áp dụng đối với:
Việc sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và các trường hợp được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện quy định tại Điều 27 của Luật Tần số vô tuyến điện;
Việc cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện của đài vô tuyến điện sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ vô tuyến dẫn đường hàng không;
Việc cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho đài trái đất của Cơ quan đại diện nước ngoài, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và phóng viên nước ngoài đi theo phục vụ cho đoàn.
Cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện: Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các trường hợp ngoài trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực thuộc Cục Tần số vô tuyến điện cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá, đài truyền thanh không dây, mạng thông tin vô tuyến điện nội bộ và trường hợp sử dụng thiết bị vô tuyến điện trong thời gian dưới 15 (mười lăm) ngày tại các lễ hội, sự kiện, triển lãm, hội chợ.
Đối với vấn đề cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định như sau:
1. Đối với trường hợp cấp giấy phép theo phương thức trực tiếp, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được lập thành 01 (một) bộ. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đầy đủ, đúng quy định trước thì được xem xét cấp giấy phép trước.
Đối với trường hợp cấp giấy phép thông qua phương thức đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá, thi tuyển.
2. Đối với giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp lần đầu, thời hạn của giấy phép được cấp theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nhưng không vượt quá 10 (mười) năm đối với giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, 15 (mười lăm) năm đối với giấy phép sử dụng băng tần, 20 (hai mươi) năm đối với giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh và bảo đảm phù hợp với các quy hoạch tần số vô tuyến điện. Tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho từng loại giấy phép tương ứng. Trường hợp giấy phép được cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép tương ứng thì được xem xét gia hạn tối đa là 01 (một) năm.
3. Tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép sử dụng băng tần có trách nhiệm báo cáo định kỳ cho Cục Tần số vô tuyến điện Danh mục thiết bị phát sóng vô tuyến điện sử dụng trong mạng thông tin vô tuyến điện (theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này) trước ngày 31 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của Cục Tần số vô tuyến điện.
4. Đối với các trường hợp phải đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện theo quy định tại Điều 41 của Luật Tần số vô tuyến điện, trong thời gian thực hiện đăng ký, phối hợp theo quy định của Liên minh viễn thông quốc tế, Cục Tần số vô tuyến điện chỉ xét cấp giấy phép tạm thời. Tổ chức, cá nhân phải ngừng hoạt động nếu việc đăng ký, phối hợp không thành công. Việc cấp phép chính thức được thực hiện theo kết quả đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện với Liên minh viễn thông quốc tế.
5. Mẫu giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.
Về gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện:
1. Trước khi hết hạn ít nhất là 30 (ba mươi) ngày đối với Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, 60 (sáu mươi) ngày đối với Giấy phép sử dụng băng tần và Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh, tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện để được gia hạn theo đúng quy định. Giấy phép được gia hạn chỉ kéo dài thời hạn sử dụng, các thông số khác của giấy phép không thay đổi.
2. Trường hợp không tuân thủ thời gian quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân muốn tiếp tục sử dụng tần số phải làm thủ tục như thủ tục cấp mới.
3. Khi giấy phép còn hiệu lực, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong giấy phép (trừ thời hạn sử dụng) thì phải làm hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép để được sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định.
4. Tổ chức, cá nhân được đề nghị gia hạn giấy phép kết hợp với sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép, phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.
Ngừng giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp:
1. Trong thời hạn còn hiệu lực của giấy phép, nếu tổ chức, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh thì gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến thông báo bằng văn bản cho Cục Tần số vô tuyến điện theo mẫu Thông báo ngừng sử dụng quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
2. Trường hợp doanh nghiệp viễn thông sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh để cung cấp dịch vụ viễn thông, trước khi gửi thông báo ngừng sử dụng tần số cho Cục Tần số vô tuyến điện, doanh nghiệp phải hoàn tất các thủ tục ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với tần số vô tuyến điện có liên quan theo quy định của pháp luật về viễn thông.
Còn đối với vấn đề cấp lại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện: Trường hợp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện bị mất, bị hư hỏng, tổ chức, cá nhân đã được cấp phép phải gửi văn bản đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tới cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện để được cấp lại giấy phép theo đúng quy định.
Thông tư cũng nêu rõ quy định về hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện:
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính hợp pháp của các tài liệu và nội dung kê khai trong hồ sơ.
Đối với các tài liệu trong hồ sơ mà Thông tư này không yêu cầu công chứng hoặc chứng thực, tổ chức đề nghị cấp giấy phép phải đóng dấu, cá nhân hoặc hộ kinh doanh đề nghị cấp giấy phép phải ký xác nhận vào từng tài liệu, trừ trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Trường hợp tài liệu có nhiều tờ phải được đóng dấu giáp lai hoặc ký xác nhận vào từng trang.
2. Khi cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tra cứu được các thông tin về Căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không phải nộp tài liệu trên trong các hồ sơ quy định tại Chương II của Thông tư này. Thời điểm áp dụng cụ thể quy định này được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Tần số vô tuyến điện tại địa chỉ www.cuctanso.vn.
3. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp hồ sơ và nhận giấy phép trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu chính hoặc nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Việc áp dụng hình thức cấp phép điện tử đối với việc cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Tần số vô tuyến điện.
4. Tổ chức, cá nhân không phải nộp lại các tài liệu quy định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đã nộp trong lần đề nghị cấp phép trước đó nếu tài liệu còn hiệu lực và không có sự thay đổi về nội dung.
5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép không được xử lý trong các trường hợp sau:
Sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày gửi thông báo đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ mà cơ quan cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện không nhận được hồ sơ bổ sung, hoàn thiện của tổ chức, cá nhân.
Sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày gửi thông báo nộp lệ phí, phí sử dụng tần số vô tuyến điện mà tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phí, lệ phí theo quy định để được nhận giấy phép.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và giao nhận giấy phép: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi bổ sung nội dung Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện nộp hồ sơ và nhận giấy phép tại một trong các cơ quan sau: Cục Tần số vô tuyến điện; Các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực thuộc Cục Tần số vô tuyến điện; Các cơ quan phối hợp khác do Cục Tần số vô tuyến điện ủy quyền. Danh sách các cơ quan phối hợp được thông báo trên trang thông tin điện tử của Cục Tần số vô tuyến điện.
Tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi bổ sung nội dung Giấy phép sử dụng băng tần, Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh nộp hồ sơ và nhận giấy phép tại Cục Tần số vô tuyến điện.
Các quy định cụ thể về thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện tại được ghi nhận tại các chương II, III và IV của Thông tư.