Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tình hình mới

27/08/2021
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết số 13-NQ/TW) yêu cầu công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết phải tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương phân công một đồng chí trong Thường trực trực tiếp chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW ở cấp huyện và cấp tỉnh một cách thực chất, tránh hình thức, nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở địa phương mình; khẳng định những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm, làm cơ sở tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước (văn bản số 82/BCĐKTTT).
Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết theo đúng kế hoạch và Đề cương ban hành kèm theo Quyết định số 77/QĐ-BCĐKTTT ngày 3/8/2021 của Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW.
Phó Thủ tướng yêu cầu công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW phải được các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biễn phức tạp, khó lường, bảo đảm công tác tổng kết và hội nghị tổng kết theo đúng kế hoạch, tiến độ thời gian đã đề ra theo Quyết định số 77/QĐ-BCĐKTTT của Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW.
Trước đó, Quyết định số 340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/3/2021 xác định, Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố, phát triển, góp phần phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước.
Mục tiêu của Chiến lược nhằm phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Chiến lược phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2.000.000 thành viên, 45.000 hợp tác xã với 8.000.000 thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60-70% trên tổng số hợp tác xã cả nước. 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 hợp tác xã và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.