Nghị định số 25/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP

26/03/2021
Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân (CAND).
Bộ Công an cho biết, triển khai Luật Công an nhân dân năm 2018 và Nghị định 01/2018/NĐ-CP, bộ máy tổ chức CAND trong đó có hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND đã thay đổi căn bản. Một số cơ quan thanh tra nhà nước trong CAND giải thể như: Thanh tra Tổng cục; thanh tra Bộ Tư lệnh; thanh tra Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động thanh tra tại các đơn vị trực thuộc Bộ chưa được kiện toàn.
Qua thực tiễn triển khai Nghị định 41/2014/NĐ-CP cho thấy một số quy định về tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong CAND hiện nay chưa hợp lý, chưa đảm bảo đồng bộ, thống nhất với một số văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra. Do vậy, Nghị định 25/2021/NĐ-CP được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế trên.
Theo Nghị định số 25/2021/NĐ-CP, hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước trong CADN gồm: 1- Thanh tra Bộ Công an (Thanh tra Bộ); 2- Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Thanh tra Công an tỉnh); 3- Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.
Ở các cơ quan, đơn vị không có tổ chức thanh tra thì Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật. Đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên, bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách; quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ, bố trí cán bộ thanh tra kiêm nhiệm.
Sửa đổi quy định hoạt động thanh tra hành chính
Ngoài ra, Nghị định số 25/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định trong hoạt động thanh tra hành chính trong CAND.
Về thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính theo kế hoạch, Nghị định số 25/2021/NĐ-CP quy định căn cứ kế hoạch thanh tra đã được Thủ trưởng Công an có thẩm quyền phê duyệt, Chánh Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Đối với những lĩnh vực, vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị, địa phương, Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Đối với những lĩnh vực, vụ việc đặc biệt phức tạp liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó trách nhiệm chủ yếu của Bộ Công an, căn cứ vào kế hoạch thanh tra, Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Về thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính đột xuất, Nghị định quy định đối với lĩnh vực, vụ việc phức tạp liên quan đến trách nhiệm quản lý của Công an nhiều đơn vị, địa phương, Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Đối với lĩnh vực, vụ việc đặc biệt phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó trách nhiệm của Công an là chủ yếu, Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng ra quyết định thanh tra đột xuất đối với vụ việc theo thẩm quyền, thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và gửi quyết định thanh tra đến Thanh tra Công an cấp trên trực tiếp.