Đảm bảo hơn về tính khả thi, minh bạch, thuận lợi trong thi hành quy định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

23/03/2021
Đảm bảo hơn về tính khả thi, minh bạch, thuận lợi trong thi hành quy định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Ngày 19/3/2021, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhằm góp phần đảm bảo quy định liên quan của Bộ luật này được thi hành theo hướng khả thi hơn, minh bạch, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi, khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản trong nền kinh tế; giảm thiểu rủi ro pháp lý, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.

 

 


Nghị định gồm 05 Chương, 62 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2021 với các nội dung liên quan đến tài sản bảo đảm, xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm. Trong đó, Nghị định tập trung hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Dân sự về:
(i) Áp dụng pháp luật và thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;
(ii) Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp bảo đảm, bằng nhiều tài sản;
(iii) Quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm;
(iv) Xác định và mô tả tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, quyền nghĩa vụ của các bên trong trường hợp tài sản bảo đảm được đầu tư hoặc tài sản bảo đảm có biến động;
(v) Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm đối với người thứ ba;
(vi) Việc nhận thế chấp của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất và giải quyết trường hợp tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu được dùng để thế chấp;
(vii) Bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản;
(viii) Thông báo xử lý tài sản bảo đảm, giao tài sản bảo đảm, xử lý tài sản cầm cố, thế chấp và một số tài sản bảo đảm đặc thù;
(ix) Nhận lại tài sản bảo đảm, chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm. 

Nghị định cũng quy định Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; cơ chế pháp lý về áp dụng pháp luật đối với hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập, thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực và giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức thi hành Nghị định này.

Trên cơ sở các quy định của Nghị định, Bộ Tư pháp sẽ kịp thời phối hợp với các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương trong tổ chức triển khai thi hành Nghị định, bảo đảm Nghị định của Chính phủ về thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ kịp thời đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, trong phạm vi chức năng, thẩm quyền, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện việc nghiên cứu, rà soát, đánh giá kịp thời pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định mới của Chính phủ trong thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của việc đăng ký biện pháp bảo đảm theo hướng minh bạch, thuận lợi, giảm thiểu chi phí và hạn chế rủi ro pháp lý cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn hiện hơn pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.