Hướng dẫn xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước

30/05/2020
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BTTTT hướng dẫn xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo phương pháp tính chi phí.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước theo phương pháp tính chi phí quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 73/2019/NĐ-CP). Việc xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.
Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn khác áp dụng các quy định tại Thông tư này.
Theo Thông tư: Chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường (sau đây gọi là dịch vụ theo yêu cầu riêng) là toàn bộ các chi phí cần thiết để thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong suốt thời gian thuê, bao gồm các thành phần: chi phí dịch vụ; chi phí quản trị, vận hành dịch vụ; chi phí bảo trì dịch vụ và chi phí khác liên quan đến cung cấp dịch vụ; Chi phí xây dựng, phát triển hình thành dịch vụ là toàn bộ chi phí dự tính để hình thành dịch vụ theo yêu cầu riêng, bao gồm các chi phí để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu (chi phí xây lắp; chi phí mua sắm thiết bị công nghệ thông tin; chi phí lắp đặt thiết bị; cài đặt phần mềm; kiểm tra, hiệu chỉnh thiết bị và phần mềm); Chi phí quản trị, vận hành dịch vụ là toàn bộ chi phí cần thiết để bảo đảm dịch vụ theo yêu cầu riêng được vận hành, hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn trong suốt thời gian thuê; Chi phí bảo trì dịch vụ là toàn bộ chi phí cần thiết cho việc bảo trì phần cứng, bảo trì, duy trì, cập nhật phần mềm và cơ sở dữ liệu để bảo đảm tổng thể dịch vụ theo yêu cầu riêng được hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn trong suốt thời gian thuê (trong đó có các hoạt động sửa đổi một phần mềm để chỉnh sửa các lỗi phát sinh, cải thiện hiệu năng hoặc các thuộc tính, chức năng của phần mềm hoặc làm cho phần mềm hoạt động tối ưu trong môi trường vận hành dựa trên việc điều chỉnh cấu hình hệ thống theo thiết kế ban đầu; không bao gồm hoạt động thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống phần mềm).
Nguyên tắc tính chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng
Thông tư quy định, nguyên tắc tính chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng phải bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả của hoạt động thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng; Bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết để thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng.
Chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng được xác định phù hợp với việc thanh toán đầu kỳ hoặc cuối kỳ. Tùy theo điều kiện, khả năng cân đối vốn, phân bổ ngân sách, cơ quan, tổ chức thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng lựa chọn phương án xác định chi phí dịch vụ trong chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng quy định chi tiết tại Thông tư này.
Hướng dẫn phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng theo quy định tại Thông tư này để xác định dự toán, giá gói thầu thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng và kỳ thanh toán. Trường hợp dự toán, kỳ thanh toán, thời điểm thanh toán thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng đã được phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư này nhưng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu có phát sinh các yếu tố phải thay đổi kỳ thanh toán, thời điểm thanh toán thì cơ quan, tổ chức thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng và nhà thầu có thể đàm phán để xác định lại kỳ thanh toán, thời điểm thanh toán nhưng phải bảo đảm giá thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng: Không vượt giá dự thầu (sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có)); Không vượt dự toán hoặc giá gói thầu khi đưa về cùng một phương án tính chi phí dịch vụ theo kỳ thanh toán, thời điểm thanh toán được đàm phán.
Nội dung các chi phí cấu thành chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng
Thông tư nêu rõ, các chi phí cấu thành chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng gồm: Chi phí dịch vụ được tính theo quy định tại Điều 6 Thông tư này; Chi phí quản trị, vận hành dịch vụ (nếu có) được tính theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này; Chi phí bảo trì dịch vụ (nếu có) được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này; Chi phí khác liên quan đến cung cấp dịch vụ (như chi phí tạo lập cơ sở dữ liệu; chuẩn hóa, chuyển đổi phục vụ cho nhập dữ liệu; thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu; chi phí đào tạo hướng dẫn sử dụng; chi phí đào tạo cho cán bộ quản trị, vận hành hệ thống; chi phí lắp đặt và thuê đường truyền; chi phí đăng ký và duy trì tên miền; chi phí thuê hosting; chi phí thuê chỗ đặt máy chủ; chi phí thuê lưu trữ; chi phí tin nhắn thông báo; chi phí tổng đài hỗ trợ) được tính theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.
Phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng: Chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng được xác định theo công thức: Chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng (đồng) bằng tổng Chi phí dịch vụ (đồng); Chi phí quản trị, vận hành dịch vụ (đồng); Chi phí bảo trì dịch vụ (đồng) và Chi phí khác liên quan đến cung cấp dịch vụ (đồng).
Phương pháp tính chi phí dịch vụ (Gtdv): Chi phí dịch vụ được xác định theo công thức bằng Chi phí dịch vụ theo kỳ thanh toán được xác định theo các phương án quy định tại các khoản 2, 3 Điều 6 Thông tư này nhân Số kỳ thanh toán trong thời gian thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng
Phương pháp tính chi phí xây dựng, phát triển hình thành dịch vụ (Tđ): Chi phí xây dựng, phát triển hình thành dịch vụ được tính theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về lập và quản lý chi phí dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Trường hợp trong kế hoạch thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng dự kiến sử dụng những thiết bị hạ tầng kỹ thuật đã qua sử dụng thì chi phí xây dựng, phát triển hình thành dịch vụ được tính trên phần giá trị còn lại của thiết bị sau khi trích khấu hao theo quy định (sử dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng).
Phương pháp tính chi phí quản trị, vận hành dịch vụ (Gv), chi phí bảo trì dịch vụ (Gbt) và chi phí khác liên quan đến cung cấp dịch vụ (Gk): Chi phí bảo trì dịch vụ được xác định trên cơ sở giá thị trường bảo đảm phù hợp với các yêu cầu cụ thể của cơ quan, tổ chức thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng; Chi phí quản trị, vận hành dịch vụ và chi phí khác liên quan đến cung cấp dịch vụ được xác định theo một trong các phương pháp sau: Trên cơ sở giá thị trường bảo đảm phù hợp với nội dung công việc của từng loại chi phí; Lập dự toán trên cơ sở khối lượng các công việc thực hiện của từng loại chi phí và đơn giá, định mức theo quy định (nếu có) để thực hiện khối lượng công việc đó.Việc lập dự toán thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về lập và quản lý chi phí dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; Kết hợp các phương pháp.
Nội dung công việc quản trị, vận hành dịch vụ và bảo trì dịch vụ thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản trị, vận hành và bảo trì đối với sản phẩm của dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 7 năm 2020. Các hoạt động thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng được xác định dự toán thuê dịch vụ theo phương pháp tính chi phí, đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và đang thực hiện thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại thời điểm phê duyệt cho đến khi kết thúc hoạt động thuê, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng đã ký kết.
Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BTTTT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó,  Thông tư này quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và nguyên tắc quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Thông tư này chỉ áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa có mô tả sản phẩm, hàng hóa quy định tại Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2.
Thông tư này áp dụng đối với: Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Việt Nam; Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Việt Nam.
Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và hình thức quản lý được quy định như sau:
 “Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy” được quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.
“Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy” được quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.
Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo từng thời kỳ, phù hợp với chính sách quản lý của Nhà nước.
Nguyên tắc quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2
Việc quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông và các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 có tích hợp chức năng của sản phẩm, hàng hóa khác thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phải thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa được tích hợp.
Sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc đối tượng áp dụng của hai hay nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì phải thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy định của các quy chuẩn kỹ thuật đó.
Trong trường hợp có quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy khác với quy định tại Thông tư này thì phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Trong trường hợp có quy chuẩn kỹ thuật mới sửa đổi, bổ sung, thay thế quy chuẩn kỹ thuật quy định tại Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thì áp dụng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật mới.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và thay thế cho Thông tư số 05/2019/TT-BTTTT ngày 09 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và đang còn thời hạn được tiếp tục áp dụng cho đến thời điểm có hiệu lực của quy chuẩn kỹ thuật mới thay thế quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn nêu tại Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy.
Trong quá trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật và đo kiểm, thử nghiệm, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phản ánh kịp thời những vấn đề vướng mắc và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Khoa học và Công nghệ). Trường hợp phát sinh vướng mắc về việc xác định mã số HS của mặt hàng nhập khẩu là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này thì Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xử lý thống nhất./.