Quy trình kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước

31/03/2020
Ngày 31/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BKHĐT quy định Quy trình kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước.

Thông tư số 03/2020/TT-BKHĐT quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ, nội dung và phương pháp tiến hành kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được cấp có thẩm quyền công bố.
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng số liệu và thông tin thống kê nhà nước thuộc Tổng cục Thống kê, thuộc các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được cấp có thẩm quyền công bố.
Quy trình xây dựng, phê duyệt kế hoạch kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước hàng năm
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành định hướng kế hoạch kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước hàng năm gửi Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê trước ngày 30 tháng 10 năm trước năm kế hoạch.
Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê căn cứ chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước hàng năm trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trước ngày 25 tháng 11 của năm trước năm kế hoạch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch kiểm tra chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 của năm trước năm kế hoạch.
Trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Tổng cục gửi kế hoạch điều chỉnh trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chậm nhất vào ngày 10 tháng 6 hàng năm để được xem xét, phê duyệt.
Kế hoạch kiểm tra hàng năm, kế hoạch điều chỉnh sau khi ban hành phải gửi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan để biết và phối hợp công tác.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê quyết định kiểm tra đột xuất việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu, thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được cơ quan có thẩm quyền công bố có dấu hiệu vi phạm pháp luật về sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước hoặc theo đề nghị của các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê, của Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phải thông báo quyết định và kế hoạch tiến hành kiểm tra
Điều 12 của Thông tư quy định rõ:
Chậm nhất 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định tiến hành kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm thông báo quyết định tiến hành kiểm tra, kế hoạch tiến hành kiểm tra với đối tượng kiểm tra.
Trưởng đoàn kiểm tra chủ trì thông báo quyết định tiến hành kiểm tra và kế hoạch tiến hành kiểm tra, nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn, phương pháp làm việc của Đoàn kiểm tra, các thành viên Đoàn kiểm tra, quyền và trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, dự kiến chương trình làm việc của Đoàn kiểm tra với đối tượng kiểm tra và những nội dung khác liên quan đến nội dung, hoạt động kiểm tra.
Thủ trưởng tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng kiểm tra hoặc người được ủy quyền báo cáo về những nội dung kiểm tra theo đề cương của Đoàn kiểm tra đã yêu cầu. Sau khi nghe báo cáo của đối tượng kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra có thể yêu cầu đối tượng kiểm tra bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo.
Nguồn thông tin khi sử dụng số liệu được trích dẫn – là nội dung kiểm tra
Theo Điều 13 của Thông tư thì nội dung kiểm tra bao gồm cả việc trích dẫn nguồn thông tin khi sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước đã được cấp có thẩm quyền công bố. Bên cạnh đó, còn kiểm tra tính chính xác, phù hợp của số liệu, thông tin thống kê đã sử dụng so với số liệu, thông tin thống kê đã được cấp có thẩm quyền công bố.
Điều 13 cũng quy định về phạm vi kiểm tra, theo đó, Đoàn kiểm tra có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước của chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, chỉ tiêu thống kê cấp huyện, chỉ tiêu thống kê cấp xã đã được cấp có thẩm quyền công bố.
Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra
Trong quá trình kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra, thành viên Đoàn kiểm tra có trách nhiệm yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra. Việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình kiểm tra phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Việc giao nhận thông tin, tài liệu phải lập thành biên bản.
Biên bản giao nhận thông tin, tài liệu thực hiện theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Thông tư này.
Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu
Trưởng đoàn kiểm tra, thành viên Đoàn kiểm tra có trách nhiệm nghiên cứu các thông tin, tài liệu đã thu thập được để làm rõ nội dung kiểm tra; yêu cầu người có trách nhiệm, người có liên quan giải trình về những vấn đề chưa rõ; trường hợp cần phải tiến hành làm việc, kiểm tra, xác minh để việc đánh giá bảo đảm tính khách quan, chính xác thì thành viên Đoàn kiểm tra báo cáo Trưởng đoàn kiểm tra xem xét, quyết định.
Phương pháp kiểm tra, xác minh
Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra các số liệu, thông tin theo nội dung kiểm tra được quy định trong quyết định tiến hành kiểm tra.
a) Đối với từng nội dung kiểm tra, Đoàn kiểm tra phải so sánh, đối chiếu giữa số liệu, thông tin của đối tượng kiểm tra sử dụng với số liệu, thông tin đã được cấp có thẩm quyền công bố.
Trường hợp đối tượng kiểm tra trích dẫn nguồn thông tin từ cơ quan không phải là cơ quan có thẩm quyền công bố số liệu, thông tin thống kê hoặc từ sản phẩm không phải là sản phẩm thống kê chính thức của cơ quan có thẩm quyền công bố số liệu, thông tin thống kê thì Đoàn kiểm tra cần xác định nguồn thông tin do đối tượng kiểm tra sử dụng.
Trường hợp đối tượng kiểm tra trích dẫn nguồn thông tin từ cơ quan thuộc hệ thống thống kê tập trung không phải là cơ quan có thẩm quyền công bố số liệu, thông tin thống kê đó hoặc từ sản phẩm thống kê chính thức của cơ quan trong hệ thống thống kê tập trung không có thẩm quyền công bố số liệu, thông tin thống kê đó nhưng không đúng với số liệu, thông tin do cấp có thẩm quyền công bố thì Đoàn kiểm tra báo cáo cấp ra quyết định tiến hành kiểm tra bằng văn bản để xử lý.
b) Xác định mức độ chênh lệch tuyệt đối, chênh lệch tương đối (nếu có) của từng số liệu, thông tin, chỉ tiêu.
c) Khi so sánh, đối chiếu cần xác định đúng từng loại số liệu, thông tin (sơ bộ, ước tính và chính thức) tại từng thời điểm công bố, thời điểm đối tượng kiểm tra sử dụng số liệu, thông tin.
Trường hợp số liệu thống kê sơ bộ đã được công bố thì từ thời điểm công bố, số liệu thống kê sơ bộ được thay thế cho số liệu thống kê ước tính, trừ trường hợp tài liệu của đối tượng kiểm tra ghi rõ “số liệu ước tính”. Trường hợp số liệu thống kê chính thức đã được công bố thì từ thời điểm công bố, số liệu chính thức được thay thế cho số liệu sơ bộ, số liệu ước tính, trừ trường hợp tài liệu của đối tượng kiểm tra ghi rõ “số liệu sơ bộ” hoặc “số liệu ước tính”.
d) Xác định đúng trích dẫn nguồn số liệu, thông tin thống kê đối tượng kiểm tra sử dụng: tên tài liệu, sản phẩm để có số liệu, thống tin làm cơ sở so sánh, đối chiếu.
đ) Đối với số liệu, thông tin thống kê được đối tượng kiểm tra sử dụng từ cơ quan nhà nước công bố, phổ biến không đúng thẩm quyền, Đoàn kiểm tra báo cáo cấp ra quyết định tiến hành kiểm tra bằng văn bản để xử lý.
Điều 16 của Thông quy định việc xử lý vi phạm hành chính trong việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2020.