Quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

31/03/2020
Ngày 31 tháng 3 năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-NHNN quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, Thông tư này quy định về tiêu hủy tiền giấy (cotton, polymer) và tiền kim loại không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành (sau đây gọi là tiền tiêu hủy).
Đối tượng áp dụng theo Thông tư là: Hội đồng tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Hội đồng tiêu hủy); Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Hội đồng giám sát); Các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền.
Thẩm quyền quyết định tiêu hủy tiền
Thông tư quy định, thẩm quyền quyết định tiêu hủy tiền căn cứ số liệu tồn kho tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành tại Kho tiền Trung ương, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thời gian tiêu hủy tiền, số lượng, giá trị từng loại tiền tiêu hủy; Hội đồng tiêu hủy tổ chức tiêu hủy tiền tại Cục Phát hành và Kho quỹ ở Hà Nội (sau đây gọi là Cụm tiêu hủy phía Bắc) và tại Chi cục Phát hành và Kho quỹ ở thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Cụm tiêu hủy phía Nam). Trường hợp cần thiết phải tổ chức tiêu hủy tiền tại cơ sở khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Nguyên tắc tiêu hủy tiền
Việc tiêu hủy tiền phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản và bí mật Nhà nước trong công tác tiêu hủy tiền; Tiền tiêu hủy được kiểm đếm chọn mẫu làm căn cứ để Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy quyết định tỉ lệ kiểm đếm từng loại tiền trước khi tiêu hủy; Tiêu hủy theo số tiền thực tế đã nhận từ Kho tiền Trung ương sau khi có kết quả kiểm đếm, phân loại của Hội đồng tiêu hủy; Tiền sau khi đã tiêu hủy thành phế liệu phải bảo đảm không thể khôi phục để sử dụng lại như tiền.
Thông tư cũng quy định, phương pháp tiêu hủy tiền như sau: Tiền tiêu hủy là tiền giấy được tiêu hủy bằng hệ thống máy cắt hủy chuyên dùng; Tiền tiêu hủy là tiền kim loại được tiêu hủy bằng phương pháp nấu chảy hoặc máy hủy tiền kim loại chuyên dùng.
Nhiệm vụ của Hội đồng tiêu hủy
Thông tư quy định nhiệm vụ của Hội đồng tiêu hủy như sau: Hội đồng tiêu hủy chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiêu hủy tiền tại các cụm tiêu hủy theo quy định tại Thông tư này dưới sự giám sát của Hội đồng giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác tiêu hủy tiền; Có biện pháp xử lý kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong quá trình tiêu hủy tiền; Tổ chức tổng kết, đánh giá và đề xuất hình thức khen thưởng, xử lý vi phạm trong công tác tiêu hủy tiền; Bảo quản hồ sơ, tài liệu liên quan trong công tác tiêu hủy tiền theo quy định.
Một số quy định cụ thể về tiêu hủy tiền
Quản lý kho tiền tiêu hủy
Việc quản lý kho tiền tiêu hủy và bảo quản tiền tiêu hủy thực hiện theo quy định về quản lý kho tiền và bảo quản tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với Kho tiền Trung ương.
Thành viên quản lý kho tiền tiêu hủy: Tham gia quản lý kho tiền tiêu hủy tại mỗi cụm tiêu hủy gồm 03 (ba) thành viên: Ủy viên Hội đồng tiêu hủy, nhân viên thực hiện nhiệm vụ kế toán kho tiền tiêu hủy và thủ kho tiền tiêu hủy; Thành viên tham gia quản lý kho tiền tiêu hủy do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định;
Trách nhiệm của thành viên quản lý kho tiền tiêu hủy: Ủy viên Hội đồng tiêu hủy chịu trách nhiệm về công tác tổ chức quản lý, đảm bảo an toàn tài sản và hoạt động của kho tiền tiêu hủy; có nhiệm vụ giữ chìa khóa một ổ khóa của lớp cánh ngoài cửa kho tiền; trực tiếp mở, khóa cửa để giám sát việc xuất, nhập, bảo quản tài sản trong kho tiền tiêu hủy; trực tiếp tham gia kiểm kê và ký xác nhận trên sổ quỹ, sổ theo dõi từng loại tài sản, biên bản kiểm kê (hoặc sổ kiểm kê), thẻ kho; Nhân viên thực hiện nhiệm vụ kế toán kho tiền tiêu hủy chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc xuất, nhập và bảo quản tài sản trong kho tiền tiêu hủy; có nhiệm vụ quản lý và giữ chìa khóa một ổ khóa của lớp cánh ngoài cửa kho tiền; trực tiếp mở, khóa cửa để xuất, nhập tài sản, bảo quản trong kho tiền tiêu hủy; kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa sổ kế toán và sổ quỹ đảm bảo khớp đúng; trực tiếp tham gia kiểm kê và ký xác nhận trên sổ quỹ, sổ theo dõi từng loại tài sản, biên bản kiểm kê (hoặc sổ kiểm kê), thẻ kho; Thủ kho tiền tiêu hủy có trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối các loại tài sản bảo quản trong kho tiền; quản lý và giữ chìa khóa một ổ khóa của lớp cánh trong cửa kho tiền; thực hiện việc xuất, nhập tiền tiêu hủy kịp thời, đầy đủ theo đúng chứng từ kế toán hợp lệ, hợp pháp; mở sổ theo dõi từng loại tiền tiêu hủy, thẻ kho và các sổ sách cần thiết khác; ghi chép và bảo quản các sổ sách, giấy tờ đầy đủ, rõ ràng, chính xác; tổ chức sắp xếp, bảo quản tài sản trong kho gọn gàng, khoa học, đảm bảo vệ sinh kho tiền.
Trường hợp thành viên quản lý kho tiền tiêu hủy nghỉ làm việc theo chế độ, đi công tác, đi học trong thời gian ít hơn 15 ngày làm việc, Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy (đối với Cụm tiêu hủy phía Bắc) và Phó Chủ tịch phụ trách Cụm tiêu hủy phía Nam (đối với Cụm tiêu hủy phía Nam) xem xét, quyết định cử người thay thế. Trường hợp nghỉ từ 15 ngày làm việc trở lên do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
Quy định về giao nhận, bảo quản tiền tiêu hủy
Tổ trưởng Tổ 1 nhận tiền do Kho tiền Trung ương giao để nhập kho tiền tiêu hủy theo bao (thùng) nguyên niêm phong kẹp chì, trên giấy niêm phong ghi đầy đủ, rõ ràng các yếu tố theo quy định về niêm phong tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có sự giám sát của kiểm soát nội bộ Cục Phát hành và Kho quỹ.
Tiền tiêu hủy bảo quản trong kho tiền tiêu hủy phải được phân loại, sắp xếp gọn gàng, khoa học và không làm thay đổi tình trạng đóng bao (thùng), bó (túi) tiền tiêu hủy.
Căn cứ chứng từ xuất kho tiền tiêu hủy, Hội đồng tiêu hủy thực hiện lấy ngẫu nhiên số tiền theo tỷ lệ kiểm đếm từng loại tiền do Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy phê duyệt để Tổ 1 xuất giao cho Tổ 2 kiểm đếm tờ (miếng); số tiền còn lại không phải kiểm đếm tờ (miếng) được xuất giao cho Tổ 3 để cắt hủy.
Quy định về việc đảm bảo an ninh, an toàn kho tiền tiêu hủy, khu vực giao nhận, kiểm đếm tiền và cắt hủy tiền
Nơi giao nhận, kiểm đếm và cắt hủy tiền phải riêng biệt, có cửa và khóa chắc chắn; trong giờ giải lao, giờ nghỉ trưa công chức, người lao động không được ở lại nơi làm việc, Tổ trưởng là người ra sau cùng khóa và niêm phong cửa, niêm phong có chữ ký của Tổ trưởng và công chức giám sát. Trong giờ làm việc, nhân viên tiêu hủy tiền vào, ra các khu vực này phải ký xác nhận vào số theo dõi; Nhân viên tiêu hủy tiền thuộc Tổ 1, Tổ 2, Tổ 3 chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tài sản trong phạm vi được giao; Khi vào làm việc trong kho tiền tiêu hủy, nơi giao nhận, kiểm đếm và cắt hủy tiền, công chức, người lao động tham gia công tác tiêu hủy tiền và những người có liên quan đến công tác tiêu hủy tiền phải đeo thẻ, mặc trang phục do Hội đồng tiêu hủy và Hội đồng giám sát trang cấp theo quy định; không được mang thiết bị liên lạc, ghi hình, cặp, túi xách, tiền mặt, chất dễ cháy, nổ trái quy định vào nơi làm việc; Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ hướng dẫn yêu cầu về trang thiết bị, cửa ra vào đảm bảo an toàn cho các khu vực quy định; Phó Chủ tịch phụ trách cụm tiêu hủy có văn bản giao việc quản lý và sử dụng chìa khóa sử dụng hàng ngày, bảo quản chìa khóa dự phòng cửa phòng giao nhận, phòng kiểm đếm, phòng cắt hủy và các cửa nội bộ khác thuộc khu vực tiêu hủy tiền (nếu có); chìa khóa các phương tiện bảo quản tiền (két sắt, thùng tôn, xe lưới) cho các cá nhân có liên quan.
Trách nhiệm của công chức, người lao động tham gia công tác tiêu hủy tiền
Khi vào làm việc trong kho tiền tiêu hủy, nơi giao nhận, kiểm đếm và cắt hủy tiền, công chức, người lao động tham gia công tác tiêu hủy tiền có trách nhiệm thực hiện đúng nội quy, quy chế làm việc do Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy quy định và các quy định tại Thông tư này. Các đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này chịu trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước trong công tác tiêu hủy tiền.
Quyền lợi của công chức, người lao động tham gia công tác tiêu hủy tiền
Thành viên Hội đồng tiêu hủy và công chức, người lao động tham gia công tác tiêu hủy tiền ngoài tiền lương, phụ cấp lương, tiền công được trả theo quy định, được hưởng chế độ bồi dưỡng về tiêu hủy tiền và các chế độ khác theo văn bản hướng dẫn hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2020. Thông tư này thay thế Thông tư số 27/2012/TT-NHNN ngày 25/9/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tiêu hủy tiền.