Hướng dẫn ghi thông tin trên xuất bản phẩm

11/02/2020
Ngày 07 tháng 02 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản.

Thông tư này có 7 chương 28 điều quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 195/2013/NĐ-CP) về tổ chức, hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Thông tư quy định cụ thể chế độ báo cáo định kỳ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP; việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính trong hoạt động xuất bản; trách nhiệm tổ chức tập huấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.
Về lĩnh vực xuất bản, Thông tư quy định rõ trình tự, thủ tục, cách thức thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tậ, cụ thể:
Trình tự, thủ tục, cách thức thu hồi chứng chỉ hành nghề biên tập quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật xuất bản được thực hiện như sau:
a) Việc xác định biên tập viên thuộc trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề biên tập quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật xuất bản phải được Cục Xuất bản, In và Phát hành lập thành biên bản;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phải ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề biên tập;
c) Kể từ ngày có quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề biên tập, biên tập viên không được thực hiện biên tập bản thảo, đứng tên trên xuất bản phẩm và có trách nhiệm nộp lại chứng chỉ hành nghề biên tập cho Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Trình tự, thủ tục, cách thức cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập quy định tại Khoản 4 Điều 20 Luật xuất bản được thực hiện như sau:
a) Sau 02 năm, kể từ ngày bị thu hồi chứng chỉ hành nghề biên tập, biên tập viên được đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập. Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính, chuyển phát đến Cục Xuất bản, In và Phát hành;
b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Xuất bản, In và Phát hành có trách nhiệm xem xét việc cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập cho biên tập viên; nếu không cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Trình tự, thủ tục, cách thức cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập quy định tại Khoản 5 Điều 20 Luật xuất bản được thực hiện như sau:
a) Chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày chứng chỉ hành nghề biên tập bị mất hoặc bị hư hỏng, biên tập viên phải có hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập. Hồ sơ được lập thành 01 (một) bộ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính, chuyển phát đến Cục Xuất bản, In và Phát hành gồm: Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập; bản chính chứng chỉ hành nghề biên tập trong trường hợp chứng chỉ bị hư hỏng;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Xuất bản, In và Phát hành có trách nhiệm xem xét việc cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập cho biên tập viên; nếu không cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Bên cạnh việc quy định về nội dung cơ bản của hợp đồng liên kết quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 23 Luật xuất bản; việc quản lý số xác nhận đăng ký xuất bản quy định tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP; Phương thức đăng ký xuất bản qua mạng Internet quy định tai Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP; Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh quy định tại Điều 12 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP, Thông tư còn hướng dẫn việc ghi thông tin trên xuất bản phẩm.
Cụ thể, ngoài các quy định tại Điều 27 Luật xuất bản, việc ghi thông tin trên xuất bản phẩm thực hiện theo quy định sau đây:
Đối với xuất bản phẩm dưới dạng sách in:
a) Trên bìa một không ghi tên tác giả, tên người dịch, tên người phiên âm, tên người biên soạn đối với sách có nội dung nguyên văn văn kiện của Đảng; văn bản quy phạm pháp luật; văn bản kinh, giáo luật của tôn giáo đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
b) Phải ghi số thứ tự các trang;
c) Trường hợp sử dụng hình ảnh Quốc huy, Quốc kỳ để thể hiện trên sách phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;
d) Phải ghi “Sách chuyên quảng cáo” trên bìa bốn đối với sách chuyên về quảng cáo;
đ) Phải in từ “TUYỆT MẬT”, “TỐI MẬT” hoặc “MẬT” trên trang tên sách đối với sách có nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và chỉ nộp tờ khai lưu chiểu theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 28 Luật xuất bản.
 Đối với xuất bản phẩm điện tử:
a) Ghi đầy đủ thông tin theo quy định tại Khoản 5 Điều 27 Luật xuất bản tại phần đầu của xuất bản phẩm, trừ khuôn khổ, họ tên người sửa bản in, số lượng in, tên và địa chỉ cơ sở in;
b) Vị trí ghi số xác nhận đăng ký xuất bản là giao diện đầu hoặc phần đầu của xuất bản phẩm điện tử trên mạng Internet hoặc trong phần mềm của thiết bị đầu - cuối.
 Đối với xuất bản phẩm không phải là sách:
a) Đối với tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp: Số xác nhận đăng ký xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh phải ghi tại góc dưới bên phải trang đầu hoặc trang cuối;
b) Đối với lịch blốc, lịch tờ:
Thứ, ngày, tuần, tháng, năm dương lịch phải ghi đúng với Bảng lịch do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
Ngoài thông tin về thứ, ngày, tuần, tháng, năm dương lịch, tùy theo kích thước, tính chất, mục đích sử dụng của lịch, giám đốc (tổng giám đốc) nhà xuất bản quyết định lựa chọn các thông tin còn lại trong Bảng lịch và các thông tin khác để in trên lịch nhưng phải đảm bảo chính xác, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, có chú thích rõ nguồn thông tin, số liệu; không ghi thông tin mang tính khuyến nghị, khuyến cáo không có cơ sở khoa học;
Các thông tin trên lịch phải được in bằng tiếng Việt; trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài có cùng nội dung thì khổ chữ tiếng các dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt;
Ngày Quốc lễ và ngày Chủ nhật phải in màu đỏ; các ngày kỷ niệm lớn của đất nước phải in màu đỏ hoặc trình bày, thiết kế khác so với những ngày còn lại trong tuần;
Tên nhà xuất bản, số xác nhận đăng ký xuất bản, số quyết định xuất bản, số lượng in, khuôn khổ, tên và địa chỉ cơ sở in, tên và địa chỉ của đối tác liên kết (nếu có) phải ghi trên vỏ bọc đối với lịch blốc, tại góc dưới bên phải tờ lịch có tháng 12 đối với lịch tờ;
c) Đối với lịch sổ, lịch để bàn và các loại lịch in khác: Ghi tên nhà xuất bản; số xác nhận đăng ký xuất bản; số quyết định xuất bản; số lượng in; tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ sở in; tên và địa chỉ của đối tác liên kết (nếu có) và giám đốc (tổng giám đốc) quyết định vị trí ghi các thông tin này;
d) Đối với bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách (bao gồm: đĩa CD, đĩa CD-ROM, băng cát-sét, băng video, các thiết bị lưu trữ dữ liệu khác): Số xác nhận đăng ký xuất bản, số giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh được ghi như sau: Ghi trên nhãn được dán lên mặt đĩa CD, đĩa CD-ROM và mặt ngoài của vỏ hộp đĩa; ghi trên nhãn được dán lên mặt ngoài vỏ hộp đựng băng cát-sét, băng video, thiết bị lưu trữ dữ liệu khác.
4. Mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN) ghi trên xuất bản phẩm thực hiện theo Thông tư số 05/2016/TT-BTTTT ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng mã số sách tiêu chuẩn quốc tế; trường hợp có sự sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BTTTT thì thực hiện theo quy định mới.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2020.
Các văn bản quy phạm pháp luật sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:
Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản;
Thông tư số 42/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản.