Quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

06/02/2020
Ngày 03 tháng 02, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BTC quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 3 năm 2020.

Thông tư này có 3 chương 15 Điều quy định vê việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành dự toán, chế độ quản lý thu, chi ngân sách nhà nước đối với các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu và quản lý tài sản công đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; quản lý, sử dụng số thu phí được để lại; hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại và Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại, gồm: a) Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây viết tắt là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) là cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế tiếp nhận thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế theo quy định của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây viết tắt là Luật Cơ quan đại diện). b) Cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài không thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thuộc các Bộ, cơ quan trung ương hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp hoặc từ nguồn thu của ngân sách nhà nước được để lại chi theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cấp, từ nguồn thu phí trong lĩnh vực ngoại giao được để lại và từ nguồn thu của ngân sách nhà nước được giữ lại để chi theo quy định của pháp luật tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Tổ chức thu, nộp ngân sách nhà nước
Đối với Thu phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao:
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện thu, nộp, quản lý và sử dụng các nguồn thu theo quy định tại Thông tư số 264/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và quy định tại Thông tư này.
Việc kê khai phí, lệ phí do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế.
Đối với các khoản thu khác theo quy định của pháp luật:
Các khoản thu khác phát sinh tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được quản lý thu, nộp và sử dụng như sau:
Đối với các khoản thu hoàn thuế giá trị gia tăng: Các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được sử dụng 100% để hoàn trả kinh phí cơ quan, hạch toán giảm chi các tiểu mục chi tương ứng nếu được hoàn trả cùng niên độ. Trường hợp được hoàn trả khác niên độ (sau ngày 31/1 năm sau) thực hiện như sau:
- Nếu chi từ nguồn kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ thì được sử dụng 100% để hoàn trả kinh phí cơ quan, hạch toán giảm chi các tiểu mục chi tương ứng.
- Nếu chi từ nguồn kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ thì nộp vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (sau đây viết tắt là Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước).
Đối với thu lãi tiền gửi ngân hàng; thu từ các tổ chức, cá nhân bồi thường khi tài sản của cơ quan bị thiệt hại: Nộp 100% vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước.
Đối với các khoản thu hoạt động dịch vụ nhà khách, phòng trọ, cho thuê nhà có thời hạn đối với các tổ chức, cá nhân: Số tiền thu được sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh phục vụ trực tiếp cho các hoạt động thu, nếu còn chênh lệch thu lớn hơn chi nộp toàn bộ vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước hàng tháng, trước ngày 10 tháng sau tháng phát sinh khoản thu.
Đối với các khoản tiền tài trợ các hoạt động, sự kiện của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài của các tổ chức cá nhân: Sau khi thực hiện chi theo các cam kết tài trợ (nếu có) hoặc các hoạt động, sự kiện được tài trợ, phần kinh phí còn dư (nếu có) nộp vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước.
Quản lý và sử dụng số thu phí được để lại
Việc quản lý, sử dụng số thu phí được để lại thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại, thời gian áp dụng theo quy định của Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại. Thông tư này hướng dẫn cụ thể như sau:
Bộ Ngoại giao được sử dụng số thu phí được để lại chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí, Thông tư số 264/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính và các quy định của pháp luật, số thu phí được để lại không phản ánh vào ngân sách nhà nước.
Số tiền thu phí được để lại sau khi trừ đi số đã chi theo quy định tại khoản 1 Điều này, số còn lại được phân phối sử dụng như sau:
- Trích tối thiểu 1/3 (một phần ba) để chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản; đổi mới thiết bị; hiện đại hóa công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ và các khoản chi phục vụ hoạt động của ngành ngoại giao.
- Trích tối đa 2/3 (hai phần ba) để chi bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Về mức hỗ trợ, thông tư quy định:
Căn cứ số thu được để lại và tình hình thực tế tại từng địa bàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định mức hỗ trợ cụ thể đối với thành viên Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật Cơ quan đại diện; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong nước thuộc Bộ Ngoại giao và cán bộ, nhân viên của các Cơ quan Việt Nam khác ở nước ngoài, đảm bảo tổng mức hỗ trợ theo nguyên tắc sau:
a) Đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, tổng mức hỗ trợ không vượt quá 0,8 (không phẩy tám) lần tổng mức sinh hoạt phí được hưởng theo quy định của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong nước thuộc Bộ Ngoại giao: Mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 0,8 (không phẩy tám) lần tổng mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ theo quy định.
Thông tư cũng quy định rõ:
Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại Thông tư này thực hiện đến hết năm 2020. Từ năm 2021 trở đi thực hiện theo quy định chung về chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Thông tư số 146/2013/TT-BTC ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Thông tư số 309/2016/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2016 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 146/2013/TT-BTC ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính; Thông tư số 29/2000/TT-BTC ngày 24 tháng 4 năm 2000 của Bộ Tài chính về quản lý Quỹ tạm giữ của ngân sách nhà nước tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.