Quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng CNTT nguồn vốn NSNN

26/02/2020
Ngày 24 tháng 02 năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Theo đó, Thông tư này quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước có mức kinh phí trên 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (dưới đây gọi tắt là Nghị định 73/2019/NĐ-CP).
Đối tượng áp dụng theo Thông tư là các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước yêu cầu phải lập đề cương và dự toán chi tiết.
Nguyên tắc lập đề cương và dự toán chi tiết:
Thông tư nêu rõ, việc lập đề cương và dự toán chi tiết phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; Bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin áp dụng đối với các nội dung chi ứng dụng công nghệ thông tin nêu trong đề cương và dự toán chi tiết; Bảo đảm thuyết minh của đề cương và dự toán chi tiết phải làm rõ được những nội dung mẫu biểu dự toán chi tiết và các mẫu biểu khác chưa thể hiện được.
Lập đề cương và dự toán chi tiết:
Đơn vị sử dụng ngân sách tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân lập đề cương và dự toán chi tiết (gọi tắt là đơn vị lập đề cương và dự toán chi tiết).
Nội dung của đề cương và dự toán chi tiết
1- Các thông tin chung: Căn cứ pháp lý; Tên của hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được lập đề cương và dự toán chi tiết; Đơn vị sử dụng ngân sách; Địa điểm thực hiện; Thời gian thực hiện; Tổ chức, đơn vị lập đề cương và dự toán chi tiết; Loại nguồn vốn; Dự kiến hiệu quả đạt dược.
2- Sự cần thiết thực hiện: Hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin; sơ đồ hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện khác; Mục tiêu, quy mô, yêu cầu, nhu cầu, sự cần thiết thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.
3- Thuyết minh phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ được đề xuất: Phân tích, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thiết bị được lựa chọn, trong đó có phân tích, lựa chọn phương án, giải pháp bảo đảm tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan (nếu có); Danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng; Đối với phần mềm nội bộ: Nội dung mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của phần mềm nội bộ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 73/2019/NĐ-CP và các nội dung khác quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 Nghị định 73/2019/NĐ-CP; Đối với xây lắp mạng, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin và các phụ kiện: Các chỉ tiêu kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng trong triển khai mua sắm, lắp đặt, cài đặt, kiểm tra và hiệu chỉnh thiết bị; Danh mục thiết bị mua sắm, lắp đặt, cài đặt và các thông số kỹ thuật của thiết bị; Thuyết minh giải pháp thiết kế mạng, đường truyền, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin, cấp điện, chống sét, hệ thống làm mát, tính toán băng thông đường truyền (kèm theo sơ đồ, nếu có); Thống kê khối lượng công tác xây lắp, thiết bị chủ yếu của hạng mục chính và phụ; Các thuyết minh khác có liên quan (nếu cần thiết); Các yêu cầu về đào tạo hướng dẫn sử dụng, quản trị, vận hành và các công tác khác có liên quan; Các yêu cầu (nếu cần thiết) về kiểm thử hoặc vận hành thử, bảo hành, bảo trì.
4- Dự toán chi tiết theo các quy định tại Điều 5 của Thông tư này;
5- Dự kiến các mốc thời gian, tiến độ thực hiện;
6- Phương án tổ chức quản lý thực hiện, đưa vào vận hành, khai thác;
7- Các đề xuất, kiến nghị: Nêu các đề xuất, kiến nghị nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nội dung đề cương sau khi được duyệt.
Hồ sơ đơn vị sử dụng ngân sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết như sau: Thành phần hồ sơ gồm  tờ trình phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và Đề cương và dự toán chi tiết; Số lượng hồ sơ: 03 bộ.
Các quy định về Dự toán chi tiết
Thông tư quy định, cơ sở lập dự toán chi tiết gồm:
1- Các văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán; Văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính và cơ quan tài chính các cấp;
2- Các văn bản quy định về định mức, đơn giá, mức chi: Các định mức, đơn giá, mức chi trong từng thời kỳ theo quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông; Các định mức, đơn giá do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ quản lý chuyên ngành và địa phương ban hành theo quy định của Nghị định 73/2019/NĐ-CP; Đối với các nội dung chi chưa có định mức, đơn giá: Đơn vị lập dự toán căn cứ theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, tình hình thực tế để thuyết minh, xây dựng định mức, đơn giá hoặc tham khảo giá thị trường, thẩm định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo quy định hoặc quyết định áp dụng các định mức, đơn giá tương tự của các dự án, nhiệm vụ khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời hạn 12 tháng (tính từ thời điểm dự án, nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến thời điểm đơn vị sử dụng ngân sách trình người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này) để xây dựng đề cương và dự toán chi tiết và phải có thuyết minh rõ căn cứ tính toán.); Bản thuyết minh căn cứ tính toán định mức, diễn giải chi tiết đơn giá theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
3- Các quy định, hướng dẫn về quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của Nghị định 73/2019/NĐ-CP;
4- Thông báo giá, báo giá hoặc các căn cứ, phương pháp khác để xác định dự toán chi phí.
Nội dung dự toán chi tiết được trình bày theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, bao gồm các chi phí sau:
Chi phí xây lắp: Chi phí mua sắm, lắp đặt mạng, phụ kiện mạng công nghệ thông tin và các chi phí khác phục vụ cho lắp đặt mạng; các chi phí xây lắp trực tiếp khác có liên quan;
Chi phí thiết bị: Chi phí mua sắm thiết bị công nghệ thông tin: Thiết bị phải lắp đặt và cài đặt, thiết bị không phải lắp đặt và cài đặt, các thiết bị phụ trợ và thiết bị ngoại vi, phần mềm thương mại, phần mềm nội bộ và các thiết bị khác; chi phí vận chuyển, bảo hiểm thiết bị; thuế và các loại phí liên quan để mua sắm thiết bị; Chi phí tạo lập cơ sở dữ liệu, chuẩn hoá phục vụ cho nhập dữ liệu, thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu; Chi phí lắp đặt thiết bị, cài đặt phần mềm, kiểm tra, hiệu chỉnh thiết bị và phần mềm; Chi phí đào tạo, hướng dẫn sử dụng; chi phí đào tạo cho cán bộ quản trị, vận hành hệ thống (nếu có); Chi phí triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành sản phẩm hoặc hạng mục công việc trước khi nghiệm thu, bàn giao (nếu có).
Chi phí quản lý: Gồm các chi phí cần thiết để tổ chức quản lý thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin từ khi chuẩn bị đến khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao sản phẩm đưa vào khai thác, sử dụng;
Chi phí tư vấn: Chi phí tư vấn lập đề cương và dự toán chi tiết và chi phí thực hiện các công việc tư vấn khác có liên quan;
Chi phí khác có liên quan: Phí và lệ phí; chi phí lắp đặt và thuê đường truyền; lệ phí đăng ký và duy trì tên miền; chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin liên quan; chi phí thẩm định giá và các chi phí khác có liên quan;
Chi phí dự phòng: dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh chưa lường trước được khi lập đề cương và dự toán chi tiết. Chi phí dự phòng không vượt quá 10% của tổng các chi phí quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
Trường hợp hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai trên phạm vi nhiều địa điểm khác nhau hoặc ở nước ngoài, các chi phí quy định được tính thêm chi phí di chuyển thiết bị và lực lượng lao động.
Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết
Thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết được xác định căn cứ theo các quy định của pháp luật về thẩm quyền, phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Thẩm quyền thẩm định đề cương và dự toán chi tiết: Người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết thành lập hội đồng thẩm định hoặc giao cho đơn vị chuyên môn trực thuộc làm đầu mối thẩm định (gọi chung là đơn vị đầu mối thẩm định); Đối với đề cương và dự toán chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hoặc theo phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ tại địa phương, đơn vị thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ là đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Đối với đề cương và dự toán chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của người có thẩm quyền tại các bộ, cơ quan trung ương, đơn vị thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ là đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết; Trường hợp đơn vị có thẩm quyền thẩm định quy định đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị có thẩm quyền thẩm định quy định tại điểm b, c khoản này thành lập hội đồng thẩm định hoặc người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết có thể giao cho đơn vị chuyên môn trực thuộc thẩm định.