Giá khởi điểm cho thuê có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

20/12/2019
Ngày 03 tháng 12 năm 2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 86/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Đối tượng áp dụng theo Thông tư như sau: Bên thuê, nhận chuyển nhượng là doanh nghiệp thuê, nhận chuyện nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý theo quy định tại Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Bên cho thuê, chuyển nhượng là cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý theo quy định tại Nghị định số  33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thông tư quy định nguyên tắc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau: 1- Bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ để hình thành, quản lý tài sản, phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; 2- Phù hợp với mặt bằng giá trị thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tại thời điểm cho thuê, cho chuyển nhượng và tương đương về mục đích cho thuê, cho chuyển nhượng; 3- Phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chi, định mức kinh tế - kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Về xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Thông tư quy định như sau:
Giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là giá ban đầu thấp nhất khi đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định trên cơ sở giá cho thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tại thời điểm cho thuê và tương đương về mục đích cho thuê; doanh thu và chi phí ước tính từ việc khai thác tài sản trong thời hạn cho thuê trong tường hợp không có tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tại thời điểm cho thuê và tương đương về mục đích cho thuê để so sánh;
Giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định trên được xác định theo các phương pháp định giá, phương pháp thẩm định giá trong hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính quy định, đảm bảo mỗi tài sản phải được áp dụng tối thiếu 02 phương pháp khác nhau trình Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định;
Căn cứ đặc tính, điều kiện cụ thể về cung ứng, thị trường của tài sản cần xác định giá khởi điểm, Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề xuất và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn phương pháp định giá, phương pháp thẩm định giá trong hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính quy định tại Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hướng dẫn tại Thông tư này. Khi áp dụng nhiều phương pháp định giá, phương pháp thẩm định giá, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xác định giá khởi điểm cần đánh giá và chỉ rõ phương pháp nào là phương pháp chính, phương pháp nào được sử dụng để kiểm tra, đối chiếu kết quả, từ đó phân tích, tính toán, đề xuất mức giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Trong trường hợp Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng một phương pháp định giá, phương pháp thẩm định giá cần nêu rõ lý do và đưa ra căn cứ thực tế chứng minh.
Thông tư cũng hướng dẫn cách xác định giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:
Giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là giá ban đầu thấp nhất khi đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (chưa tính chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định);
Giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định trên cơ sở giá trị còn lại của tài sản tại thời điểm chuyển nhượng theo đánh giá lại, lưu lượng vận tải (đối với tài sản là đường), thời gian tính hao mòn tài sản còn lại, giá trị đầu tư bổ sung, doanh thu và chi phí ước tính từ việc khai thác tài sản trong thời hạn chuyển nhượng. Trong các khoản chi phí phục vụ quản lý, khai thác, khoản chi nào đã có hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ chính sách do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc pháp luật quy định (thuế, kế toán, thống kê và các pháp luật có liên quan) và có giá của Nhà nước quy định thì tính theo các quy định đó; khoản chi nào chưa có hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và các quy định mua sắm, chi tiêu thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý khai thác phê duyệt và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trong trường hợp các chi phí liên quan đến nhiều sản phẩm, nhiệm vụ, công việc khác nhau mà không thể tách riêng ra được như khấu hao, hao mòn tài sản; tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn, chi phí phục vụ quản lý, khai thác.... thì cần tập hợp và phân bổ theo tiêu thức phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan cho từng sản phẩm hoặc nhiệm vụ.
Sau khi thực hiện xác định giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương pháp hướng dẫn tại Thông tư này, đối với mỗi tài sản cần xác định giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ đặc tính, điều kiện cụ thể về cung ứng, thị trường của tài sản cần xác định giá khởi điểm đề xuất lựa chọn 01 phương pháp định giá, phương pháp thẩm định giá trong hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính quy định phù hợp với tài sản xác định giá khởi điểm, phù hợp với quy định tại Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hướng dẫn tại Thông tư này để xác định giá khởi điểm của tài sản. Khi áp dụng nhiều phương pháp định giá, phương pháp thẩm định giá, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xác định giá khởi điểm cần đánh giá và chỉ rõ phương pháp nào là phương pháp chính, phương pháp nào được sử dụng để kiểm tra, đối chiếu kết quả, từ đó phân tích, tính toán, đề xuất mức giá khởi điểm để đấu giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong trường hợp Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng một phương pháp định giá, phương pháp thẩm định định giá cần nêu rõ lý do và đưa ra căn cứ thực tế chứng minh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 01 năm 2020.