Quy trình kỹ thuật xây dựng, duy trì, vận hành hệ thống thông tin ngành tài nguyên và môi trường

20/12/2019
Ngày 18 tháng 12 năm 2019, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BTNMT về việc ban hành quy trình kỹ thuật xây dựng, duy trì, vận hành hệ thống thông tin ngành tài nguyên và môi trường.

Theo đó, quy trình kỹ thuật xây dựng, duy trì, vận hành hệ thống thông tin ngành tài nguyên và môi trường quy định các bước thực hiện trong việc: Xây dựng phần mềm hỗ trợ quản lý,khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường; Duy trì, vận hành hệ thống thông tin ngành tài nguyên và môi trường; Kiểm tra, nghiệm thu phần mềm hỗ trợ, kiểm tra, duy trì, vận hành hệ thống thông tin ngành tài nguyên và môi trường.
Đối tượng áp dụng theo Quy trình này là các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện các công việc về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài nguyên và môi trường.
Cũng theo văn bản này, phần mềm hỗ trợ việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường là phần mềm được phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa theo các yêu cầu riêng của các đơn vị nhằm đáp ứng các nghiệp vụ vè việc xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường. Hệ thống phần cứng công nghệ thông tin là tập hợp hạ tầng phần cứng vật lý các thiết bị công nghệ thông tin bao gồm: Hệ thống máy chủ; Hệ thống thiết bị lưu trữ, sao lưu dữ liệu; Hệ thống cáp mạng; Hệ thống thiết bị hội nghị truyền hình; hệ thống thoại IP. Phần mềm hệ thống là phần mềm quản lý điều hành thiết bị phần cứng công nghệ thông tin, các phần mềm phục vụ quản lý người dùng và quản lý các quá trình truy cập của người dùng và các quá trình đỏi hỏi cần quản lý trong quá trình khai thác bao gồm: Dịch vụ DNS, WINS, LDAP, Directory, Proxy, Cluster, DHCP, CA, Radius, NMS,... và tương đương; Phần mềm quản lý, giám sát mạng; Phần mềm dò quét lỗ hổng an ninh mạng, website; Phần mềm sao lưu, phục hồi; Phần mèm giám sát mạng không dây; Phần mềm hỗ trợ người dùng; Phần mềm thu thập và phân tích logs; Phầm mềm tường lửa, phòng chống tấn công mạng, QoS; Phần mềm cân bằng tải; Phần mềm chống tấn công từ chối dịch vụ; Phần mềm quản lý máy chủ ảo hóa; Phần mềm mạng riêng ảo VPN; Phần mềm xử lý dữ liệu không gian (Are GIS, MapInfo,...); Phần mềm hệ quản trị cơ sở dữ liệu (Oracle, Microsoft SQL Server,...); Phần mềm nguồn mở.
Quy trình chi tiết xây dựng phần mềm hỗ trợ việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường như sau:
1- Xác định yêu cầu: Thu thập các quy trình nghiệp vụ của tổ chức, đơn vị sử dụng hệ thống (Thu thập thông tin về cơ cấu tổ chức của đơn vị; Mô hình hóa chi tiết các quy trình, nghiệp vụ của tổ chức, đơn vị bằng ngôn ngữ UML); Xác định các yêu cầu chức năng (Xác định tên và mô tả từng chức năng; Xác định người sử dụng chức năng; Xác định các thông tin cần cập nhật, quản lý; Đưa ra hình vẽ minh họa giao diện – nếu có); Đặc tả dữ liệu (Xác định hiện trạng dữ liệu hiện có; Đưa ra các yêu cầu quản lý dữ liệu); Xác định các yêu cầu khác (Xác định yêu cầu về tính sử dụng; xác định yêu cầu về tính ổn định; xác định yêu cầu về tốc độ xử lý; xác định yêu cầu về tính hỗ trợ; xác định yêu cầu về công nghệ và các ràng buộc; xác định các yêu cầu về giao tiếp; xác định các yêu cầu khác – nếu có); Sản phẩm là tài liệu yêu cầu người dùng (URD – user Requirements Document)
2- Phân tích và thiết kế: Phân tích yêu cầu bằng cách xác định lại các quy trình nghiệp vụ được tin học hóa; Xác định danh sách chức năng hệ thống; Xác định các yêu cầu về giao diện của phần mềm; Xác định các yêu cầu phi chức năng của phần mềm; Sản phẩm – Tài liệu đặc tả yêu cầu của phần mềm (SRS – Software Requirements Specification); Thiết kế hệ thống; Lập trình; Kiểm tra, kiểm thử; Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm; Cài đặt chuyển giao, hướng dẫn sử dụng; Bảo trì, bảo hành phần mềm; Quản lý và cập nhật yêu cầu thay đổi.
Quy trình chi tiết duy trì, vận hành hệ thống phần cứng công nghệ thông tin như sau: 1- Kiểm tra, giám sát (Kiểm tra, giám sát trạng thái hoạt động hệ thống; Kiểm tra nhật ký hoạt động hệ thống; Kiểm tra, giám sát các chức năng của hệ thống); 2- Ghi nhận sự cố để xác minh sự cố và cập nhật danh mục sự cố; 3- Phân tích sự cố để phân loại, đối chiếu danh mục sự cố; phân tích các nguyên nhân có thể gây ra sự cố và đề xuất giải pháp khắc phục sự cố; 4- Khắc phục sự cố nhằm nghiên cứu giải pháp được đề xuất, thực hiện giải pháp khắc phục, kiểm tra hệ thống sau khi thực hiện giải pháp khắc phục, cập nhật dnah mục sự cố; 5- Báo cáo thống kê, nhật ký – tổng hợp, xây dựng báo cáo trong quá trình duy trì vận hành hệ thống; 6- Bảo dưỡng hệ thống – lập kế hoạch bảo dưỡng; 7- Cập nhật firmware;
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020. Thông tư này bãi bỏ một số nội dung của các Thông tư sau: Chương II Phần II Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy trình và Định mức kinh tế- kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trưởng; Điều 18 Thông tư số 58/2015/TT-BTNMT ngày 8 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định thẩm định, kiểm tra và nghiệm thu dự án ứng dụng công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường.