1. Sự cần thiết tất yếu của việc ban hành Luật Tương trợ Tư pháp
Hoạt động Tương trợ Tư pháp giữa Việt Nam và các nước đã có từ khá sớm, chủ yếu được tiến hành trên cơ sở các văn bản của các Bộ, ngành, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, từ năm 1980, Việt Nam đã ký kết một số Hiệp định Tương trợ Tư pháp với một số nước. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, các nhu cầu về Tương trợ Tư pháp ngày càng tăng, trong đó có không ít vấn đề phát sinh trong quan hệ với các nước mà Việt Nam chưa ký kết Hiệp định Tương trợ Tư pháp hoặc chưa có các thỏa thuận, cam kết quốc tế liên quan cần được giải quyết.
Ngoài ra, hiện nay hệ thống pháp luật trong nước về Tương trợ Tư pháp còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, đuợc quy định rải rác trong nhiều văn bản khác nhau như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003… Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số quy định còn chung chung về một số vấn đề thuộc Tương trợ Tư pháp, chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể về trình tự và thủ tục thực hiện các yêu cầu về Tương trợ Tư pháp, đặc biệt, pháp luật Việt Nam chưa có các quy định về phần Tương trợ Tư pháp liên quan đến chuyển giao người bị kết án tù giữa Việt Nam và các nước cũng như các quy định về cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xử lý, giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực Tương trợ Tư pháp nên trong thời gian vừa qua công tác Tương trợ Tư pháp đạt kết quả chưa cao. Bên cạnh đó, hệ thống các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc đang xem xét tham gia liên quan đến Tương trợ Tư pháp thường khá phức tạp, lại dựa trên các thông lệ quốc tế hoặc các Hiệp định, Luật mẫu của Liên Hợp quốc, do đó việc dẫn chiếu để áp dụng pháp luật trong nước để giải quyết các vấn đề cụ thể sẽ rất khó nếu như pháp luật của chúng ta không đầy đủ, không tương thích với các quy định của các điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế về tương trợ tư pháp.
Xuất phát từ những lý do trên, Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã nhấn mạnh vấn đề tương trợ tư pháp và yêu cầu sớm ban hành luật này. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Tương trợ Tư pháp là rất cần thiết, nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, quy định thống nhất về quy trình, thủ tục xử lý và thực hiện các yêu cầu về Tương trợ Tư pháp giữa Việt Nam và các nước trong quá trình hội nhập và đấu tranh chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và cũng là để thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Khóa XI.
2. Bố cục và những nội dung cơ bản của Luật Tương trợ Tư pháp
Luật Tương trợ Tư pháp gồm 7 Chương với 71 Điều, cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung: gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; áp dụng pháp luật; nguyên tắc Tương trợ Tư pháp; ngôn ngữ trong Tương trợ Tư pháp; ủy thác tư pháp và hình thức thực hiện Tương trợ Tư pháp; hợp pháp hóa lãnh sự và việc công nhận giấy từ, tài liệu ủy thác tư pháp.
Chương II. Tương trợ Tư pháp về dân sự: gồm 7 điều (từ Điều 10 đến Điều 16). Chương này quy định về: phạm vi Tương trợ Tư pháp về dân sự; hồ sư ủy thác tư pháp về dân sự; văn bản ủy thác tư pháp về dân sự; yêu cầu nước ngoài Tương trợ Tư pháp về dân sự; thủ tục yêu cầu nước ngoài Tương trợ Tư pháp về dân sự; thủ tục tiếp nhận và xử lý ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài; chi phí thực hiện Tương trợ Tư pháp về dân sự.
Chương III. Tương trợ Tư pháp về hình sự: gồm 15 điều (từ Điều 17 đến Điều 31). Chương này quy định về phạm vi Tương trợ Tư pháp về hình sự; hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự; văn bản ủy thác tư pháp về hình sự; yêu cầu nước ngoài Tương trợ Tư pháp về hình sự; từ chối hoặc hoãn thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự của nước ngoài; thủ tục ủy thác tư pháp về hình sự cho nước ngoài; thủ tục tiếp nhận và xử lý ủy thác tư pháp về hình sự của nước ngoài; tống đạt giấy triệu tập người làm chứng, người giám định; dẫn giải người đang chấp hành hình phạt tù để cung cấp chứng cứ; cung cấp thông tin; việc sử dụng thông tin, chứng cứ trong Tương trợ Tư pháp về hình sự; yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự, giao nộp hồ sơ, vật chứng của vụ án cho nước ngoài; xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự của công dân Việt Nam tại Việt Nam; thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài về điều tra đối với công dân nước ngoài tại Việt Nam; chi phí thực hiện Tương trợ Tư pháp về hình sự.
Chương IV. Dẫn độ: gồm 17 điều (từ Điều 32 đến Điều 48). Chương này quy định các vấn đề về: Dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án; trường hợp bị dẫn độ; không truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn độ cho nước thứ ba; từ chối dẫn độ cho nước ngoài; hồ sơ yêu cầu dẫn độ; văn bản yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo; tiếp nhận yêu cầu dẫn độ; các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ; thi hành quyết định dẫn độ; áp giải người bị dẫn độ; hoãn thi hành quyết định dẫn độ và dẫn độ tạm thời; dẫn độ lại; chuyển đồ vật, vật chứng liên quan đến vụ án; quá cảnh; chi phí về dẫn độ.
Chương V. Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù: gồm 12 điều (từ Điều 49 đến Điều 60). Chương này quy định về các vấn đề như: Căn cứ chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; từ chối chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; văn bản yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và tài liệu kèm theo; tiếp nhận yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; quyết định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam cho người nước ngoài; thẩm quyền quyết định tiếp nhận người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam; thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; tiếp tục chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam; áp dụng giải người bị chuyển giao; chi phí về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Chương VI. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động Tương trợ Tư pháp: gồm 10 điều (từ Điều 61 đến Điều 70) quy định về: trách nhiệm của Chính phủ trong hoạt động Tương trợ Tư pháp; trách nhiệm của Bộ Tư pháp; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao; trách nhiệm của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Bộ Ngoại giao; trách nhiệm của Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của cơ quan Điều tra.
Chương VII. Điều khoản thi hành: (Điều 71) quy định về ngày có hiệu lực của Luật Tương trợ Tư pháp./.
Đức Trí