Hướng dẫn việc thực hiện chế độ chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ

13/12/2007
Theo Thông tư liên tịch số 181/2007/TTLT-BQP-BTC ngày 04/12/2007 của liên Bộ Quốc phòng, Tài chính thì chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ được thực hiện như sau:

1. Đối tượng áp dụng

a. Thân nhân hạ sĩ quan và binh sĩ bao gồm: bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp.

b. Gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ gặp tai nạn, hoả hoạn, thiên tai bao gồm: nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hư hỏng nặng; hoặc gia đình phải di dời chỗ ở hoặc có thân nhân mất tích... do thiên nhiên hoặc do con người gây nên (Gia đình của hạ sĩ quan và binh sĩ là nơi hạ sĩ quan và binh sĩ thường xuyên sinh sống trước khi nhập ngũ).

Không áp dụng chế độ chính sách này đối với các trường hợp:

- Thuộc các đối tượng (nêu trên) nhưng đã thôi hưởng chế độ, chính sách khi hạ sĩ quan và binh sĩ thôi phục vụ tại ngũ (có quyết định xuất ngũ) hoặc có quyết định hưởng chế độ khác: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng..., hy sinh, từ trần hoặc vi phạm kỷ luật bị tước danh hiệu quân nhân hoặc trả về địa phương.

- Thân nhân của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ thuộc một trong những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc.

2. Các chế độ chính sách được hưởng

2.1. Chế độ miễn học phí

2.1.1. Đối tượng và chế độ được hưởng gồm: Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ được miễn học phí khi học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

2.1.2. Hồ sơ và trách nhiệm thực hiện:

a. Hạ sĩ quan và binh sĩ có con được hưởng chế độ miễn học phí làm Tờ khai (theo mẫu), có xác nhận của chỉ huy đơn vị (đại đội hoặc tiểu đoàn), gửi cấp trung đoàn và tương đương trở lên để được cấp Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận, hạ sĩ quan và binh sĩ có trách nhiệm gửi về gia đình.

b. Đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên, căn cứ Tờ khai của hạ sĩ quan và binh sĩ, xác nhận của chỉ huy đơn vị, cấp Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí (theo mẫu).

Thời gian hưởng chế độ miễn học phí đối với con của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ được tính trong khoảng thời gian từ ngày cấp Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí đến hết thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ.

Trường hợp, trong thời gian tại ngũ nếu phát sinh đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí thì hạ sĩ quan và binh sĩ lập Tờ khai bổ sung; thời gian hưởng chế độ tương ứng với thời gian tại ngũ còn lại của hạ sĩ quan và binh sĩ.

c. Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập, có trách nhiệm tiếp nhận Giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí do gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ chuyển đến và thực hiện chế độ miễn học phí cho đối tượng được hưởng;

d. Con của hạ sĩ quan và binh sĩ nếu thuộc đối tượng không áp dụng, thì đơn vị quản lý hạ sĩ quan và binh sĩ từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên thông báo về cơ quan quân sự cấp huyện nơi con của hạ sĩ quan và binh sĩ cư trú, để phối hợp với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập nơi con của hạ sĩ quan và binh sĩ học tập ngừng thực hiện chế độ miễn học phí.

2.2. Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất

2.2.1. Đối tượng và chế độ được hưởng:

a. Trợ cấp khó khăn đột xuất trong trường hợp gia đình của hạ sĩ quan và binh sĩ gặp tai nạn, hoả hoạn, thiên tai theo mức 300.000 đồng/suất/lần.

b. Trợ cấp khó khăn đột xuất trong trường hợp thân nhân hạ sĩ quan và binh sĩ ốm đau từ một tháng trở lên hoặc phải điều trị một lần tại bệnh viện từ 15 ngày trở lên theo mức  300.000 đồng/suất/lần.

Các chế độ trợ cấp này được thực hiện không quá hai lần trong một năm đối với một hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ.

c. Trợ cấp khó khăn đột xuất trong trường hợp thân nhân hạ sĩ quan và binh sĩ từ trần, theo mức 600.000 đồng/người.

Trường hợp, cùng một thời điểm, nếu gia đình của hạ sĩ quan và binh sĩ vừa có thân nhân ốm đau, đủ điều kiện hưởng trợ cấp, vừa có thân nhân từ trần; hoặc vừa gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai, đủ điều kiện hưởng trợ cấp, vừa có thân nhân từ trần thì chỉ được hưởng mức trợ cấp một suất của người từ trần (600.000 đồng). Trường hợp, cùng một thời điểm, nếu gia đình của hạ sĩ quan và binh sĩ có nhiều thân nhân từ trần thì chỉ được hưởng trợ cấp một suất (600.000 đồng).

2.2.2. Hồ sơ và trách nhiệm thực hiện:

a. Hạ sĩ quan và binh sĩ làm Tờ khai hưởng chế độ trợ cấp khó khăn (theo mẫu) có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình cư trú về mức độ thiệt hại của gia đình do gặp tại nạn, hoả hoạn, thiên tai; thời gian ốm đau, điều trị bệnh hoặc thân nhân từ trần.

Trường hợp nếu thân nhân hạ sĩ quan và binh sĩ có các giấy tờ như: giấy xác nhận của UBND cấp xã về mức độ thiệt hại đối với người, vật chất; giấy xuất viện của cơ sở y tế, đối với thân nhân ốm đau dài ngày, nằm viện hoặc giấy chứng tử của thân nhân từ trần gửi cho hạ sĩ quan và binh sĩ thì Tờ khai hưởng trợ cấp khó khăn của hạ sĩ quan và binh sĩ kèm theo các giấy xác nhận đó, không phải xin xác nhận của UBND cấp xã.

b. Đơn vị quản lý hạ sĩ quan và binh sĩ (đại đội, tiểu đoàn) kiểm tra, đề nghị đến cấp quyết định hưởng trợ cấp.

c. Đơn vị quản lý hạ sĩ quan và binh sĩ cấp trung đoàn và tương đương trở lên, căn cứ Tờ khai của hạ sĩ quan và binh sĩ và đề nghị của đơn vị cấp dưới, xem xét, ra quyết định trợ cấp cho đối tượng và thanh quyết toán tài chính theo quy định.

d. Cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, hàng năm lập dự toán kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất vào dự toán chung của cơ quan, đơn vị, gửi Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính và Cục Chính sách); chỉ đạo thực hiện và thanh quyết toán tài chính theo quy định.

2.3. Chế độ bảo hiểm y tế

2.3.1. Đối tượng và chế độ được hưởng: Thân nhân của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ được khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT nếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Mức phí đóng BHYT hàng tháng bằng 3% mức tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ tại thời điểm mua thẻ BHYT.

2.3.2. Hồ sơ, trình tự, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị trong việc mua, cấp thẻ BHYT đối với thân nhân hạ sĩ quan và binh sĩ được thực hiện như việc mua, cấp thẻ đối với thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp theo quy định tại Thông tư số 154/2007/TT-BQP ngày 01/10/2007 của Bộ Quốc phòng.

a. Đối với hạ sĩ quan và binh sĩ thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, thời hạn thẻ BHYT của thân nhân tương ứng với thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ (18 tháng và 24 tháng) kể từ khi mua, cấp thẻ BHYT cho thân nhân hạ sĩ quan và binh sĩ; có thể mua, cấp một lần thẻ BHYT theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, khi hạ sĩ quan và binh sĩ về đơn vị mới, thì cấp trung đoàn và tương đương trở lên hướng dẫn kê khai thân nhân được hưởng chế độ BHYT; tổng hợp, lập danh sách, mua cấp thẻ BHYT cho thân nhân hạ sĩ quan và binh sĩ.

Trường hợp hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ tại ngũ trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì thời hạn thẻ BHYT của thân nhân tương ứng với thời gian phục vụ tại ngũ còn lại của hạ sĩ quan và binh sĩ.

Trường hợp hạ sĩ quan và binh sĩ trong thời gian chờ đi học, ôn, luyện thi; chờ chuyển chế độ; học viên học tập tại các nhà trường quân đội (kể cả số học viên học tại các nhà trường ngoài quân đội trong nước và ngoài nước), việc mua, cấp thẻ BHYT như việc mua, cấp thẻ đối với thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp.

b. Việc kê khai thân nhân được hưởng chế độ BHYT, thực hiện theo quy định sau: Trường hợp trong gia đình (cả gia đình vợ hoặc chồng) hạ sĩ quan và binh sĩ có sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã kê khai thân nhân được hưởng chế độ BHYT thì hạ sĩ quan và binh sĩ không kê khai. Trường hợp gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ có nhiều hạ sĩ quan và binh sĩ thì trách nhiệm kê khai thực hiện tương tự như đối với thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp.

Trong quá trình phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ, khi có bổ sung đối tượng được hưởng chế độ BHYT thì quy trình kê khai, báo cáo và mua, cấp thẻ được thực hiện như đối với thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Thời hạn thẻ BHYT tương ứng với thời hạn phục vụ tại ngũ còn lại của hạ sĩ quan và binh sĩ.

c. Trường hợp hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc đối tượng không áp dụng, căn cứ thông báo của đơn vị quản lý hạ sĩ quan và binh sĩ từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên, cơ quan quân sự cấp huyện, nơi thân nhân của hạ sĩ quan và binh sĩ cư trú thu hồi thẻ BHYT còn thời hạn và gửi về đơn vị đã mua thẻ BHYT để thông báo với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Chí Linh