Dự thảo Nghị định về tư vấn pháp luật: Sửa đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động

28/11/2007
Ngày 6/11/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật (TVPL), đưa hoạt động TVPL vào thực tế với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội. Tuy nhiên, do sự biến động của kinh tế - xã hội, một số qui định của Nghị định 65 bắt đầu bất cập so với thực tế, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung để tăng hiệu quả thực tiễn của hoạt động này.

Theo dự thảo nghị định mới, ngoài các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp được thành lập trung tâm TVPL như qui định tại Nghị định 65, các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật cũng sẽ được thực hiện hoạt động này để thực hiện đúng chủ trương xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp đã được đưa ra trong Nghị quyết 49-NQ/TW (ngày 02/6/2005) của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời huyy động được toàn lực của xã hội trong việc TVPL cho người dân. Ngoài ra, để mở rộng mạng lưới các tổ chức TVPL, đáp ứng nhu cầu được TVPL cuả người dân, dự thảo Nghị định mới có qui định tổ chức xã hội ở quận, huyện cũng được thành lập tổ chức TVPL.

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và khắc phục những khó khăn phát sinh từ việc qui định về hình thức tổ chức TVPL của Nghị định 65, dự thảo Nghị định mới qui định rõ hai hình thức thực hiện TVPL với hai hình thức tổ chức có nguyên tắc hoạt động, phạm vi và quyền nghĩa vụ khác nhau là: Trung tâm TVPL miễn phí và Trung tâm TVPL có thu phí. Nhờ đó sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động TVPL có thu phí và là cơ sở để xây dựng các qui định về nghĩa vụ của các trung tâm TVPL này, trong đó có nghĩa vụ nộp thuế và bồi thường thiệt hại do lỗi mà bên tư vấn viên pháp luật, luật sư và cộng tác viên pháp luật của trung tâm gây ra trong quá trình thực hiện TVPL. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của những người thực hiện TVPL có thu phí mà Nghị định 65 đã bỏ qua, không đề cập đến.

Xuất phát từ sự khác nhau trong tính chất hoạt động của hai loại hình trung tâm TVPL nêu trên, dự thảo Nghị định mới qui định rõ: Trung tâm TVPL có thu phí phải có 2 người thực hiện TVPL là tư vấn viên pháp luật có đủ các điều kiện, trong đó phải có bằng cử nhân luật hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và trung tâm phải có trụ sở riêng. Cong trung tâm TVPL miễn phí chỉ cần 1 tư vấn viên pháp luật hoặc luật sư.

Góp phần cụ thể hoá các qui định của Luật TGPL và Luật Luật sư, dự thảo Nghị định mới mở rộng phạm vu hoạt động của các trung tâm TVPL, đặc biệt trung tâm TVPL có thu phí được thực hiện vụ việc ở tất cả các lĩnh vực pháp luật, còn Trung tâm TVPL miễn phí được thực hiện vụ việc ở tất cả các lĩnh vực pháp luật, trừ pháp luật về kinh doanh, thương mại. Cụ thể, các Trung tâm TVPL đươck thực hiện TGPL, cử luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, các đương sự khác trước các cơ quan tiến hành tố tụng đối với những vụ việc mà Trung tâm đã thực hiện tư vấn. Qui định này đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân được hỗ trợ về mặt pháp lý khi tham gia tố tụng, giảm bớt thủ tục phát sinh từ việc tổ chức chủ quản phải cử người của tổ chức TVPL đại diện cho thành viên của tổ chức mình thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, các đươgn sự trước các cơ quan tiến hành tố tụng với tư cách là bào chữa viên nhân dân.

Trong những năm qua, các trung tâm TVPL đã thực hiện tư vấn hàng chục nghìn vụ việc mỗi năm trên tất cả các lĩnh vực pháp luật, tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tích cực vào việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo thành viên của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, tổ chức khác, nâng cao nhận thức, hiểu biểu và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Các hoạt động này đã là sự hỗ trợ to lớn cho hoạt động trợ giúp pháp lý và hoà giải cơ sở. HY vọng, với việc ban hành một Nghị định mới thay thế Nghị định 65 sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của hoạt động TVPL trong thực tiễn./.

Hương Giang