Bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng

10/07/2017
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 77/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng.
Nghị định quy định tàu thuyền nhập cảnh, thuyền viên, hành khách đi trên tàu thuyền nhập cảnh khi vào khu vực biên giới biển Việt Nam phải làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu cảng đầu tiên nơi tàu thuyền đến.
Tàu thuyền nước ngoài xuất cảnh, thuyền viên hành khách đi trên tàu thuyền nước ngoài xuất cảnh, trước khi rời khỏi biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam phải làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu cuối cùng nơi tàu thuyền đi.
Tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, thuyền viên, hành khách đi trên tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, trước khi rời khỏi vùng biển Việt Nam, phải làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu cảng cuối cùng nơi tàu thuyền đi. Tàu thuyền quá cảnh phải làm thủ tục quá cảnh khi vào khu vực biên giới biển Việt Nam.
Hai cách thức thực hiện thủ tục biên phòng
Theo Nghị định, thủ tục biên phòng được thực hiện theo hai cách thức: Cách thức điện tử và thủ công.
Đối tượng áp dụng thủ tục theo cánh thủ công gồm: 1- Tàu cá Việt Nam; 2- Tàu thuyền nước ngoài vì lý do khẩn cấp xin vào tránh trú bão, cấp cứu thuyền viên, hành khách hoặc bị tai nạn; 3- Tàu thuyền không thực hiện được thủ tục biên phòng theo cách thức điện tử; 4- Thuyền viên Việt Nam; 5- Hành khách Việt Nam và nước ngoài.
Cách thức điện tử chỉ áp dụng đối với các đối tượng sau: 1- Tàu thuyền Việt Nam nhập cảnh, xuất cảnh; 2- Tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng; 3- Một số tàu thuyền được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hoặc có văn bản cho phép đến cảng; 4- Thuyền viên nước ngoài đi trên tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng; 5- Tàu thuyền, thuyền viên áp dụng thủ tục biên phòng theo cách thức thủ công quy định tại 1,4 ở trên được thực hiện thủ tục biên phòng theo cách thức điện tử khi Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đáp ứng được cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và yêu cầu quản lý nghiệp vụ chuyên ngành.
Kiểm tra, giám sát biên phòng
Nghị định cũng quy định cụ thể về kiểm tra, giám sát biên phòng. Đối tượng kiểm tra, giám sát biên phòng gồm: Tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh; tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng; tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa trong phạm vi cửa khẩu cảng; các phương tiện khác của Việt Nam và nước ngoài ra vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng; tàu thuyền nước ngoài vào neo đậu, sửa chữa tại các cơ sở đóng mới, cải hoán hoặc sửa chữa tàu biển ngoài phạm vi cửa khẩu cảng; người Việt Nam và nước ngoài ra vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng và một số loại giấy tờ của người, phương tiện ra, vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng theo quy định.
Việc kiểm tra, giám sát biên phòng tập trung vào kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ các loại giấy tờ của người, phương tiện ra, vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng theo quy định; kiểm tra thuyền viên, hành khách thực tế trên tàu thuyền; giám sát hoạt động của người, tàu thuyền và các loại phương tiện khác của Việt Nam, nước ngoài theo quy định.
Nghị định nêu rõ, các loại giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp gồm: Thị thực Việt Nam; Giấy phép xuống tàu; Giấy phép, thực hiện theo mẫu số 3 quy định tại Nghị định; Giấy phép đi bờ của thuyền viên, thực hiện theo mẫu số 4 quy định tại Nghị định.
Nghị định quy định rõ, người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa khẩu cảng phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; phải chấp hành sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng và các lực lượng chức năng liên quan; chậm nhất 12 giờ trước khi người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cảng, cơ quan, doanh nghiệp đón tiếp phải thông báo bằng văn bản cho Biên phòng cửa khẩu cảng về họ tên, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế...
Người Việt Nam, người nước ngoài không được phép xuống, rời tàu thuyền trước và trong khi tàu thuyền làm thủ tục nhập cảnh, chuyển cảng đến, trong và sau khi tàu thuyền làm thủ tục xuất cảnh, chuyển cảng đi, trừ cán bộ nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, hoa tiêu, người làm thủ tục đang thực hiện nhiệm vụ, nhân viên y tế xuống tàu khám, chữa bệnh cho thuyền viên, hành khách./.