Cảng vụ hàng hải sẽ thực hiện quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển trong khu vực quản lý

11/11/2016
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BGTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải. Trong đó, quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cảng vụ hàng hải.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Một số nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải: Một cảng biển do một Cảng vụ hàng hải thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải; Một Cảng vụ hàng hải thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại một hoặc nhiều cảng biển và khu vực quản lý được giao; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các Cảng vụ hàng hải theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; Tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải phải tuân thủ quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam, Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nhiệm vụ và quyền hạn
Một số nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng như: 1. Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển, vận tải biển, công nghiệp tàu thủy và tổ chức giám sát thực hiện trong khu vực quản lý sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 2. Tổ chức thực hiện quy định về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý; kiểm tra, giám sát luồng, hệ thống báo hiệu hàng hải, công trình hàng hải; kiểm tra hoạt động hàng hải của tổ chức, cá nhân tại cảng biển và khu vực quản lý. 3. Chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng biển và các lực lượng hữu quan trong phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển; hướng dẫn các doanh nghiệp cảng biển đánh giá an ninh cảng biển; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt. 4. Phê duyệt và tổ chức giám sát thực hiện phương án bảo đảm an toàn hàng hải. 5. Kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch đối với các cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển theo thẩm quyền. 6. Thực hiện quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển trong khu vực quản lý. 7. Tổ chức kiểm tra giám sát việc duy tu, kiểm định cầu, bến cảng biển.
Bên cạnh đó, Cảng vụ hàng hải còn có nhiệm vụ: 1. Cấp phép, giám sát tàu thuyền đến, rời, hoạt động tại cảng biển và khu vực quản lý; không cho phép tàu thuyền đến, rời cảng khi không có đủ điều kiện cần thiết về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 2. Thực hiện xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải; thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tạm giữ tàu biển theo quy định. 3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hàng hải đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. 4. Chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển. 5. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển, các lực lượng hữu quan, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cảng trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cảng biển. 6. Tổ chức thực hiện việc đăng ký tàu biển, đăng ký thuyền viên khi được cơ quan có thẩm quyền giao và nhiều nhiệm vụ quyền hạn quan trọng khác.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017. và bãi bỏ Quyết định số 57/2005/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải.
H.V.A